Những chỉ số lạc quan
Ông Trần Văn Tân, phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 60.460 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 5,04% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng trưởng giảm 5,5%). Giá trị nền kinh tế năm 2021 của tỉnh ước đạt hơn 102.654 tỉ đồng.
Với tốc độ tăng trưởng 5,04%, Quảng Nam đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng (sau Quảng Ngãi) tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vị trí thứ 18/63 tỉnh, thành phố về quy mô GRDP. Theo đó, tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2021 đạt 67,6 triệu đồng, tăng 7,5% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 gần 30.342 tỉ đồng, tăng 5,6% so với năm 2020 và chiếm 29,7% GRDP; trong đó vốn đầu tư công năm 2021 hơn 5.015 tỉ đồng.
Xuất khẩu sơmi rơ mooc sang thị trường Hoa Kỳ |
Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông nghiệp chiếm 14,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,7%, trong đó công nghiệp chiếm 28,4%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 32,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 18,4%.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng gần 4,8% so với năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6% và chỉ số tồn kho tăng 0,93% so với năm 2020.
Thị trường tài chính ổn định, thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ, vượt dự toán năm. Cụ thể, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt gần 68,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Tổng thu ngân sách nhà nước 23.775 tỷ đồng, vượt dự toán 4.422 tỷ và bằng 113,6% so với năm 2020.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, vượt 773 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 1,48 tỷ USD, tăng 40,5%; nhập khẩu đạt 2,01 tỷ USD, tăng 16%.
Tuy nhiên, ngành thương mại - dịch vụ vẫn chưa hồi phục như kế hoạch, chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ, so với năm 2019 mức tăng trưởng khu vực dịch vụ vẫn còn giảm 7,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 53,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020.
Đẩy nhanh tiến độ phục hồi, phát triển kinh tế năm 2022
Đánh giá về năm 2021, ông Trần Văn Tân cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 5,1%, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế của tỉnh vẫn còn hạn chế và thách thức, nhiều ngành kinh tế mũi nhọn vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong năm 2022, UBND tỉnh cũng đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, Quảng Nam tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Xây dựng và triển khai “Chương trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng”; cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19; phát triển kinh tế biển, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nâng cao nâng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
“Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư mới có tầm quan trọng chiến lược trên các ngành, lĩnh vực; đồng thời với rà soát giải quyết các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư đang triển khai. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, ông Tân nhấn mạnh.