Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 01/2022 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng 12/2021 và tăng 14,3% so với tháng 01/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,15 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng 12/2021, tăng 6% so với tháng 01/2021.
Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới hầu hết các thị trường chính đều tăng trong tháng 01/2022 |
Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới hầu hết các thị trường chính đều tăng trong tháng 01/2022, trong đó dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ đạt 928,2 triệu USD, tăng 11% so với tháng 12/2021 và tăng 12,8% so với tháng 01/2021; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 153 triệu USD, tăng 6,3% so với tháng 12/2021 và tăng 16,3% so với tháng 01/2021; Trung Quốc đạt 134,4 triệu USD tăng 5,4% so với tháng 12/2021, tăng 27% so với tháng 01/2021…
Mặc dù trong tháng 01/2022 hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do bắt đầu tuần nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh.
Đây là lần thứ ba kim ngạch vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng. Theo đó, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng là vào tháng 3/2021, khi đạt 1,512 tỷ USD; tới tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lần thứ hai vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng khi đạt 1,55 tỷ USD; tiếp đến, tháng 1/2022 lần thứ ba vượt mốc 1,5 tỷ USD.
Với kim ngạch xuất khẩu trên 1,5 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu của cả nước đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong tháng đầu năm và nằm trong "Top 3" nhóm hàng có sự tăng trưởng 2 con số (đứng thứ hai về tăng trưởng sau nhóm hàng dệt may).
Năm 2022 nhiều thuận lợi để ngành gỗ tăng trưởng bứt phá, nhờ kinh tế toàn cầu dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, ngành xây dựng tại nhiều thị trường hoạt động mạnh thúc đẩy nhu cầu về đồ nội thất tăng. Đồng thời, sự chủ động về công nghệ sản xuất, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu nhờ việc tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo động lực thúc đẩy gỗ và sản phẩm gỗ.
Những tín hiệu tích cực từ thị trường cho thấy, trong năm 2022, ngành gỗ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, vượt mục tiêu đề ra và tiến gần hơn tới mốc 20 tỷ USD.