CôngThương - Theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, ước tính 6 tháng đầu năm, số lượt khách đến với làng cổ Đường Lâm bằng trên 90% so với năm ngoái, lượng khách khối Pháp ngữ, Bỉ, Hà Lan, Canada tiếp tục tăng. Điều này cho thấy, vẻ đẹp thanh bình vẫn là sức hút lớn của Đường Lâm đối với du khách.
Tuy nhiên, cùng với cơn lốc đô thị hóa, việc xây dựng môi trường du lịch chuyên nghiệp luôn là vấn đề băn khoăn, lo lắng của dư luận trong việc gìn giữ các nếp nhà cổ ở Đường Lâm. Ông Nguyễn Trọng An nhìn nhận, ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng, khai thác tiềm năng để đẩy mạnh ngành công nghiệp không khói của người dân vẫn còn hạn chế.
Sau một thời gian làm du lịch, một số hộ dân đã chuyên nghiệp hơn trong việc tổ chức dịch vụ, nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu tổ chức ăn uống… Trong khi, sản vật địa phương chỉ có chè lam, bánh tẻ, tương. Cùng với đó, hoạt động du lịch homestay (du khách cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhà dân) vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản.
Hiện tại, các di sản của làng cổ Đường Lâm đang bị mai một, rặng tre gai rìa làng, ao hồ hiện còn rất ít, nghề đá ong, nghề mộc gần như không được duy trì. Hơn thế, việc khai thác đá ong ngày càng khó, chi phí khai thác lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến xây dựng, phục hồi nhà cổ… dẫn đến, hành trình khám phá làng cổ của du khách khá đơn điệu.
Nguyễn Văn Hùng, chủ nhân ngôi nhà 300 tuổi làng Mông Phụ cho biết, trung bình mỗi tháng, các chủ nhân nhà cổ được trợ cấp từ 150.000 - 400.000 đồng để trông nom, gìn giữ di sản. Nguồn hỗ trợ này chỉ như muối bỏ biển trong thời giá hiện nay, vì vậy, người dân vẫn chưa yên tâm để sống cùng di sản. Mùa cao điểm, nhà ông tổ chức dịch vụ ăn uống, tính trung bình mỗi tháng có thể thu về từ 5 - 7 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, trong làng mới chỉ có 4 - 5 nhà làm kinh doanh du lịch kiểu này.
Từ những hạn chế trên, khi có đề án xây dựng hồ sơ di sản thế giới cho làng cổ Đường Lâm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đều cho rằng “con đường đến di sản thế giới của Đường Lâm không đơn giản, khó khả thi, nếu như chỉ dựa vào kiến trúc tiêu chí làng cổ thuần Việt”. Sự nghi ngờ này là có cơ sở vì UNESCO đánh giá giá trị di tích dựa trên giá trị nổi bật mức độ toàn cầu chứ không phải chỉ nổi bật của riêng Việt Nam. Chưa kể, với 1.500 hộ dân và hơn 6.000 người đang sống tại đây, bảo tồn di tích nguyên trạng là một điều khó khăn. Thêm vào đó, tới đây, UNESCO sẽ siết chặt việc công nhận di sản, một số tiêu chí và điều khoản sẽ được thay đổi, đồng nghĩa với việc các hồ sơ sẽ được thẩm định gắt gao hơn rất nhiều.
Quy hoạch tổng thể làng cổ Đường Lâm đang được xúc tiến để hoàn thành và trình thành phố phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở pháp lý với những quy định cụ thể về quản lý, thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch… Tuy nhiên, trước mắt di sản phải được bảo tồn như một thực thể sống động với các giá trị kiến trúc, mỹ thuật, phong tục, lối sống đồng thời tạo điều kiện giúp người dân có thêm thu nhập, yên tâm sống. Trong đó, cần có kế hoạch sưu tầm hiện vật liên quan đến sinh hoạt, phong tục tập quán sản xuất của người dân, xây dựng thêm nhà truyền thống, bảo tồn lễ hội, ẩm thực, nghề truyền thống, cây cổ thụ; trồng mới cây xanh phù hợp chất đất, cảnh quan của làng cổ...