Làng cổ Đường Lâm lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc tiêu biểu |
Nhiều bất cập
Năm 2006, Đường Lâm là ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Với những nhà ngói, sân gạch, tường lát đá ong còn nguyên nét rêu phong cổ kính cùng nhiều làng nghề truyền thống như tương Đường Lâm, chè lam, kẹo lạc, chè kho, bánh tẻ... nhưng hơn một thập kỷ qua, du lịch làng cổ Đường Lâm vẫn ì ạch trên con đường phát triển. Nếu chiếu cả vào 3 tiêu chí tối thiểu để bảo đảm cuộc sống là môi trường, văn hóa và kinh tế thì ở Đường Lâm đều chưa đáp ứng được.
Theo thống kê, mỗi năm, làng cổ này mới đón được khoảng 17.000 lượt khách. Khách đến với Đường Lâm chủ yếu để tham quan, tìm hiểu giá trị nghệ thuật của những ngôi nhà cổ ở đây, tuy nhiên, ai đến thì đến, ai đi thì đi, không có người thuyết minh, giới thiệu. Chính điều này đã khiến du khách không hiểu đầy đủ về những giá trị của ngôi nhà cổ mà ngay cả những chủ nhân của ngôi nhà nhiều khi cũng thấy phiền lòng.
Phải nhắc thêm, trong số 17 vạn lượt khách đến với Đường Lâm (nơi gần 15.000 người sinh sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ), mới có khoảng 10% số hộ có thu nhập từ du lịch. Như vậy, còn khoảng 13,5 nghìn người dân chưa được hưởng lợi từ du lịch làng cổ, thế nhưng, muốn xây dựng hay cải tạo ngôi nhà của mình, họ đều phải tuân thủ theo quy định của Ban Quản lý di tích và Luật Di sản. Chính bởi vậy, đã có thời điểm, rất đông người dân đồng loạt ký vào đơn xin trả lại danh hiệu di sản cho làng.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , bà Hà Thị Lợi - thôn Mông Phụ - cho rằng, việc bảo tồn những ngôi nhà cổ để phát triển du lịch là rất tốt. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu cách làm phù hợp nhất để có một lối mở cho người dân.
Tháo dần “nút thắt”
Trước thực trạng trên, chính quyền thị xã Sơn Tây đang tiến hành các thủ tục đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích làng cổ theo hướng thu hẹp khu vực 2 của Di tích làng cổ Đường Lâm. Đây cũng là cơ sở để giảm thiểu những bất cập trong công tác đầu tư, quản lý xây dựng, tạo điều kiện để người dân khu vực này phát triển du lịch. Khu vực khoanh vùng dự kiến là hai làng Mông Phụ và Cam Thịnh.
Bên cạnh đó, thị xã Sơn Tây cũng đang tập trung vào các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch như: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hình thành các tour, tuyến du lịch khép kín trên địa bàn thị xã và kết nối với các vùng du lịch huyện Ba Vì, các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Đường Lâm. Đặc biệt, việc xây dựng môi trường văn hóa trong các hoạt động du lịch, hạ tầng du lịch tại làng cổ như: Hệ thống biển bảng chỉ dẫn, hệ thống các gian hàng lưu niệm trưng bày và bán các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương cũng được tính đến, để người dân gắn bó với di tích hào hứng hơn trong việc làm du lịch.
Tuy nhiên, theo PGS.TS văn hóa Đặng Văn Bài, cách bảo tồn và phát huy giá trị ở Đường Lâm hiện nay còn manh mún và chưa đủ tầm, cần xây dựng Đề án Phát triển du lịch của Đường Lâm, trong đó có sự chung tay của cơ quan du lịch và văn hóa.
Mục tiêu của thị xã Sơn Tây đề ra đến năm 2015 phải có ít nhất 45% người dân làm dịch vụ du lịch. Như vậy, đã qua mốc này tới 3 năm, nhưng chỉ tiêu đặt ra mới đạt được chưa đến 1/3. |