Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2021 của tỉnh Lạng Sơn, diễn ra chiều ngày 19/7/2021, ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Đại dịch Covid-19 đã tác động ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt kinh tế, xã hội trên địa bàn. Một số cửa khẩu phía Trung Quốc do dịch bệnh phức tạo, họ đã không làm việc vào các ngày nghỉ, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là đối với xuất khẩu nông sản…. gặp khó khăn. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước, mới đây tỉnh Lạng Sơn đã phải tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu, siết quản lý một số hoạt động để chống dịch, khiến doanh thu dịch vụ của các nhà hàng, các dịch vụ khác… trên địa bàn bị suy giảm so với đầu năm, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa vì thế cũng bị tác động ảnh hưởng.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội… trên địa bàn Lạng Sơn trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt kết quả tích cực. Tỉnh Lạng Sơn đã chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp trên địa bàn; khoanh vùng, dập dịch để duy trì và thúc đẩy các hoạt động kinh tế duy trì và tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo....
Họp báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội Lạng Sơn 6 tháng đầu năm và định hướng 6 tháng cuối năm |
Báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, công bố tại họp báo cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 6,72% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,23%; khu vực dịch vụ tăng 7,2%...
Sản suất và lưu thông hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, cơ bản vẫn duy trì tốt. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 2,01 tỷ USD, đạt 65,26% kế hoạch, tăng mạnh 44,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 690 triệu USD, đạt 51,49% kế hoạch, tăng 13,1%; nhập khẩu đạt 1,32 tỷ USD, đạt 75,86% kế hoạch, tăng 69,2% so với cùng kỳ; hàng xuất khẩu của tỉnh Lạng Sơn đạt 61 triệu USD, đạt 46,9% kế hoạch, tăng 27,1% so với cùng kỳ 2020. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ năm 2020.
Hoạt động thương mại nội địa đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, kể cả trong lúc dịch bệnh phức tạp. Chẳng hạn, khi huyện Hữu Lũng phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, Sở Công Thương đã phối hợp với huyện Hữu Lung và các ngành liên quan, cùng các doanh nghiệp đầu mối cung ứng hàng hóa thiết yếu đầy đủ cho địa phương, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đầu cơ, găm hàng hay tăng giá bất hợp lý để trục lợi. Nhờ vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 của Lạng Sơn vẫn đạt 10.857 tỷ đồng, bằng 48,7% kế hoạch, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 6 tháng cuối năm, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương… có các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2021 của tỉnh tăng 7-7,5% so với năm 2020, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, liên quan đế phát triển thương mại nội địa và xuất nhập khẩu hàng hóa, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để phục vụ tốt nhất cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu nhanh chóng, đúng pháp luật; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa; đảm bảo cung cầu hàng hóa, giá cả ổn định, không để xảy ra những tính huống bất thường, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua Lạng Sơn |
Ông Nguyễn Đình Đại - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn: Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục thực hiện phương châm 3 trước, 4 tại chỗ, nhằm phát huy tối đa năng lực cung ứng hàng hoá. Nếu xảy ra dịch cấp độ 4 với Lạng Sơn (trên 1.000 ca Covid-19), Sở sẽ tham mưu tỉnh chỉ đạo các đơn vị cung ứng hàng hoá mở các kho dự trữ, thực hiện điểm bán di động… Đề xuất điều tiết vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng phân luồng, cách ly chặt chẽ, tiêm phòng, xét nghiệm cho đội lái xe chuyên trách đưa hàng hóa qua cửa khẩu. |
Ông Nguyễn Đình Đại - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Ngành Công Thương Lạng Sơn sẽ chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các kịch bản ứng phó kể cả ở cấp độ dịch bệnh Covid-19 phức tạp nhất (cấp độ 4) để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu đầy đủ, kịp thời cho nhân dân. Sở Công Thương sẽ tính toán các nhu cầu (cung cầu) hàng hóa từng vùng, trong từng bối cảnh dịch bệnh để phối hợp, kết nối doanh nghiệp đầu mối chuẩn bị chân hàng, cung ứng hàng hóa thiết yếu đầy đủ cho thị trường, dự trữ hàng hóa để ứng phó hiệu quả với cả tình huống dịch bệnh phức tạp hơn nếu phải thực hiện giãn cách xã hội. Đồng thời, liên kết với các sở công thương khác để hỗ trợ đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ điều tiết cung cầu (nếu thiếu), không để xảy ra bị đứt gãy nguồn cung. Đồng thời, chủ động và phối hợp với các ngành liên quan tăng cường thực kiểm tra, kiểm soát giữ ổn định thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cũng cho biết: Nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng lớn, song năng lực thông quan thực tế tại các cửa khẩu còn hạn chế do hạ tầng bến bãi, giao thông còn chưa kịp hoàn thiện so với mức độ phát triển. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Lạng Sơn đã có chủ trương đầu tư mở rộng hạ tầng thương mại biên giới, logistics, mở rộng năng lực bến bãi… phục vụ xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Ông Nghĩa cho biết, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh các kịch bản xử lý tình huống liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa ở mức dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, theo hướng kiểm soát hiệu quả nguy cơ dịch bệnh, song vẫn linh hoạt để tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn, hạn chế thấp nhất việc ùn tắc hàng hóa và ách tắc giao thông trong xuất nhập khẩu hàng hóa, hạn chế phát sinh chi phí trong hoạt động xuất nhập khẩu đối với doanh nghiệp khi phải tăng cường các biện pháp kiểm soát Covid-19.