Trồng chè mang lại thu nhập cao cho người dân Mường Hum |
“Điểm sáng” vùng cao
Về xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay từng ngày của một xã từng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ông Vấn Gia Lâm - Chủ tịch UBND xã Chiềng Ken cho biết, hiện nay, mỗi năm xã Chiềng Ken giảm từ 5% - 7% số hộ nghèo. Có được kết quả này là nhờ xã đẩy mạnh việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đưa các giống cây, con mới vào sản xuất giúp kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Chẳng hạn, người dân Chiềng Ken đã chuyển đổi trồng các giống lúa truyền thống sang gieo cấy giống lúa lai CP15 Thái Bình trên 377 héc-ta lúa nước, trồng giống ngô lai CP885 trên 449 héc-ta. Nhờ đó, năng suất lúa trung bình đạt 55 tạ/vụ/héc-ta, tăng 20 tạ/vụ/héc-ta; năng suất ngô đạt 37 tạ/vụ/héc-ta, tăng 10 tạ/vụ/héc-ta so với gieo trồng giống cũ. Tổng sản lượng lương thực năm 2015 trên địa bàn xã đạt trên 3.500 tấn (vượt 4% kế hoạch giao), vụ xuân năm 2016, ước đạt trên 1.800 tấn (tăng gấp 1,5 lần so với giống cũ). Ngoài ra, xã khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm theo mô hình nuôi nhốt. Nguồn thu từ chăn nuôi hiện chiếm hơn 30% tổng thu nhập của người dân, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Chúng tôi đến xã vùng cao Mường Hum, huyện Bát Xát... Con đường đến Mường Hum đẹp mê hồn với những ruộng bậc thang trải dài, đẹp như bức màn nhung màu vàng óng và những vạt rừng thảo quả già chín rực. Nhưng đáng kể hơn, đó là hiện nay 6 thôn, bản trong xã đều đã có đường bê tông kiên cố, đời sống người dân ngày một đi lên nhờ phát huy thế mạnh của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Chẳng hạn, việc cải tạo diện tích trồng chè theo hướng sử dụng giống mới trên diện tích trên 100 héc-ta, trong đó diện tích cho thu hoạch vào khoảng gần 60 héc-ta, đã giúp người dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/héc-ta/năm. Hiện thu nhập bình quần đầu người của xã đạt 18,5 triệu đồng/năm, đạt chuẩn tiêu chí thu nhập của chương trình nông thôn mới.
Tiếp tục nhân rộng
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai, trong 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, Lào Cai đã đầu tư, nâng cấp hơn 2.500 km đường giao thông nông thôn; kiên cố 639 km kênh mương thủy lợi; 143/143 xã có điện lưới quốc gia. Đồng thời, Lào Cai đã thực hiện 7 chương trình, 27 đề án phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, đến hết 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 10%. Bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn năm 2015 là 13,11 triệu đồng, tăng 5,67 triệu đồng so với năm 2010.
Trong năm 2016, Lào Cai phấn đấu có thêm 11 xã hoàn thành xã nông thôn mới. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 16 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 - 4% mỗi năm. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã chỉ đạo kiện toàn kịp thời Ban chỉ đạo chương trình Xây dựng nông thôn mới các cấp. Trên cơ sở đó, các Ban chỉ đạo chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác năm 2016; phân công lãnh đạo các sở, ban, ngành giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chỉ đạo kịp thời các huyện, thành phố ngay từ đầu năm đồng loạt tổ chức phát động làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất... nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của nhân dân.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành quyết định quy định về bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và tổ chức công bố “Thôn nông thôn mới”, “Thôn kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Đây là nội dung tư duy, đổi mới rất quan trọng nhằm động viên, khích lệ các thôn có nhiều nỗ lực trong phong trào xây dựng nông thôn mới và là động lực, điển hình để các thôn khác học tập, làm theo.
Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có thêm 30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 30 triệu đồng/người/năm. |