Thực tế cho thấy, sau khi tổng kết 1 năm thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), về cơ bản đã đạt được những lợi ích nhất định về thương mại và đầu tư. Bộ Công Thương cho rằng, tới đây, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hai Hiệp định này sẽ cộng hưởng với nhau tạo thành động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới, từ đó đem lại các lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân.
Ở góc độ lợi ích trực tiếp cho người dân, EVFTA dự kiến sẽ tác động tích cực đến lao động, việc làm, và an sinh xã hội. Theo đó, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030), mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030. Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào năm 2025), vận tải thuỷ (0,9% vào năm 2025).
Theo tính toán, mức lương của người lao động tại các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng gần 1% so với doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, do các nền kinh tế của các nước thành viên EU đều phát triển ở trình độ cao hơn Việt Nam và mang tính bổ sung đối với nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu từ các nước EU phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên với một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia EVFTA.
Đối với doanh nghiệp, EVFTA sẽ mở ra một cơ hội mới về thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà Hiệp định mang lại.
Để tận dụng tốt các cơ hội của thị trường EU, Bộ Công Thương cho rằng, đầu tiên và quan trọng nhất, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Các nội dung chính của Hiệp định hiện đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương.
Hai là, việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, v.v. Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.
Ba là, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU.
Theo kế hoạch, EVFTA sẽ được Quốc hội xem xét phê chuẩn vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Công Thương đã hoàn tất bộ hồ sơ trình Chính phủ và Chính phủ cũng đã trình Chủ tịch nước để xem xét, quyết định trình Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA theo đúng các quy trình, thủ tục của luật hiện hành.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã dự thảo các nội dung chính của Kế hoạch hành động của Chính phủ chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định EVFTA xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Dự thảo kế hoạch này đã được đưa vào bộ hồ sơ trình các cấp về việc phê chuẩn Hiệp định. Sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, dự thảo kế hoạch này sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành.
Được biết, Bộ Công Thương cũng đã chủ động ban hành Kế hoạch của Bộ về việc triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA từ nay cho đến khi Hiệp định chính thức có hiệu lực để bảo đảm có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi sau này, giúp tận dụng được tối đa những cơ hội của Hiệp định cũng như giảm thiểu những thách thức mà Hiệp định có thể mang lại.
Nhằm bảo đảm có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Bộ Công Thương đã liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được ban hành ngay thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực; Đồng thời kiến nghị Thủ tướng giao các Bộ, ngành triển khai ngay việc xây dựng và/hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này với mục tiêu là ban hành cùng với thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.
Đặc biệt, nhằm phổ biến Hiệp định EVFTA tới đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là đối tượng doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, Bộ Công Thương đã thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ , để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA. Ngoài ra, Bộ cũng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu trải dài hầu khắp các tỉnh thành, tập trung tại các địa phương có các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O; và/hoặc nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu.