Ông Mustafa Abdel Jalil, người đứng đầu Hội đồng chuyển tiếp Dân tộc ( NTC) của phe đối lập Libya.
CôngThương - Ông Jalil nói thêm, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sẽ bị xét xử tại một tòa án trong nước.
Trong bài bình luận đăng trên nhật báo La Republica của Italy ngày 24/8, ông Jalil cam kết Libya sẽ có "một chính phủ dân chủ và một hiến pháp công bằng." Ông cũng nhấn mạnh NTC không muốn tiếp tục bị thế giới cô lập.
Theo ông Jalil, NTC nhất trí rằng, ông Muammar Gaddafi và những người thân cận của ông phải được xét xử trong một phiên tòa công bằng diễn ra tại Libya, thay vì được trao cho tòa án quốc tế.
Ông Jalil cũng cho biết, NTC sẽ ân xá cho bất cứ người thân cận nào với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi có thể giết hay bắt ông này.
Trước đó ngày 23/8, Ngoại trưởng Italy Franco Frattini cho rằng, nhà lãnh đạo này nên được đưa ra xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở Hague, Hà Lan. Tuy nhiên, hiện dù phe nổi dậy đã chiếm được khu dinh thự của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, song người ta vẫn chưa thể xác định ông hiện đang ở đâu.
Cùng ngày, phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Morocco đang ở thăm Libya, ông Jalil cho biết, một phái đoàn đã được cử tới Tripoli để chuẩn bị cho việc di chuyển bộ chỉ huy của NTC về thủ đô.
Trong khi đó, các nhà hoạch định của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang cân nhắc các lựa chọn về vai trò của liên minh này tại Libya sau khi cuộc nội chiến tại quốc gia Bắc Phi này kết thúc.
Ban tham mưu quân sự của tổ chức này đang xem xét khả năng hỗ trợ sứ mệnh của Liên hợp quốc trong tương lai nhằm ổn định Libya. Các lựa chọn sẽ được trình lên ban lãnh đạo chính trị của NATO trong tuần tới.
Nữ phát ngôn viên NATO Oana Lungescu ngày 23/8 đã nêu một số điều kiện, bao gồm việc Liên hợp quốc yêu cầu hỗ trợ và điều khoản NATO sẽ không triển khai binh sĩ ở Libya.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết, Berlin sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết Libya.
Phát biểu trên nhật báo Passauer Neue Presse, ông Westerwelle cho rằng, Đức có kinh nghiệm và đặc biệt thông thạo khu vực này, vì vậy có thể cung cấp cho Libya những lời khuyên và sự hỗ trợ cần thiết.
Hiện Đức đã dành cho NTC khoản vay 100 triệu euro "nhằm hỗ trợ nhân đạo và dân sự."
Ông Westerwelle cũng kêu gọi Liên hợp quốc sớm thông qua một nghị quyết dỡ bỏ phong tỏa tài sản của ông Gaddafi và những người thân cận (được áp đặt từ tháng Hai) để hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực tại Libya.
Trước đó, Đức, thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã bỏ phiếu trắng một nghị quyết cho phép áp đặt vùng cấm bay tại Libya. Đức cũng là thành viên duy nhất của EU và NATO không cử quân tham gia chiến dịch của NATO tại đây.
Cùng với Đức, Anh và Pháp cũng đang tìm kiếm một nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm dỡ bỏ phong tỏa các tài sản của Libya nhằm phân phát nguồn tài chính khẩn cấp cho lực lượng đối lập.
Các động thái này diễn ra một ngày sau khi Mỹ cho biết đang nỗ lực để Liên hợp quốc giải ngân khoảng tiền 1,5 tỷ USD giá trị các tài sản đang bị đóng băng của Libya.
Liên đoàn Arập (AL) và Nam Phi cũng cam kết hỗ trợ tái thiết Libya sau khi một chính quyền mới được thành lập trên nguyên tắc dân chủ, tự do và hòa hợp dân tộc.
Trong khi đó, Nga, nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, vẫn tỏ ra thận trọng. Trong phát biểu đầu tiên về Libya kể từ khi các lực lượng đối lập tiến vào Tripoli, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga sẽ chỉ công nhận lực lượng đối lập ở Libya nếu "lực lượng này có đủ khả năng và nguồn lực để thống nhất đất nước cho một sự khởi đầu dân chủ mới."
Ông Medvedev cũng cảnh báo rằng, ông Muammar Gaddafi - đồng minh cũ của Điện Kremlin - vẫn còn ảnh hưởng và có tiềm lực quân sự, đồng thời bày tỏ mong muốn các lực lượng của ông Gaddafi ngồi vào bàn đàm phán và hai bên đạt thỏa thuận về hòa bình trong tương lai.
Ngoài ra, ông Medvedev cũng cho rằng, hiện còn quá sớm để các lực lượng đối lập tuyên bố chiến thắng hoặc để các quốc gia khác thiết lập các quan hệ chính thức với NTC./.