Lo chất lượng trái cây nhập ngoại
Người tiêu dùng khó phân biệt hoa quả nhập chính ngạch và nhập lậu.
Tết đến nhu cầu sử dụng trái cây tăng cao, trong khi gần đây các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ trái cây nhập khẩu không rõ nguồn gốc, sử dụng chất bảo quản, hóa chất gây độc cho người tiêu dùng.
Ngày 27/1, Chi cục QLTT TP.HCM kiểm tra 2 kho lạnh của Công ty TNHH Vườn Hạnh Phúc Đà Lạt tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, đã phát hiện hơn 63 tấn nông sản ngoại nhập kém chất lượng. Trong đó có gần 28 tấn lê, nho, củ hành tươi của Hàn Quốc có dấu hiệu úng, mốc, biến đổi màu; gần 25.000 gói nước ép trái lê trên nhãn ghi chữ Hàn Quốc nhưng không có thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng và không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.
Cùng ngày 27/1, lực lượng QLTT TP.HCM còn kiểm tra hai kho hàng tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, đã phát hiện thêm gần 36 tấn cam, táo, lê, quýt chủ yếu là hàng Trung Quốc không nhãn mác, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng… của 9 chủ hàng đang kinh doanh tại chợ này.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), trong năm 2014, Việt Nam nhập khẩu khoảng 17.000 tấn táo từ Mỹ, do 35 DN trong nước nhập khẩu. Mới đây, nhà chức trách Mỹ cảnh báo nhà cung cấp Birdart Bros (ở Califorrnia) đã bán táo nhiễm khuẩn ra thị trường. Tại Việt Nam, ngày 22/1/2015, Cục bảo vệ thực vật khẳng định loại táo nhiễm khuẩn do Birdart Bros kinh doanh chưa nhập khẩu vào nước ta, tuy nhiên người tiêu dùng có lý do để lo ngại khi một lượng lớn táo từ Mỹ đã được nhập khẩu vào nước ta từ nhiều nguồn khác nhau.
Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật gửi thông báo về việc tạm dừng nhập khẩu trái cây của Australia vào thị trường Việt Nam, do lo ngại dịch ruồi đục quả đã bùng phát thành dịch trên nhiều loại hoa quả tại Australia.
Ngoài các loại hoa quả nhập khẩu chính ngạch, thị trường Việt Nam đang bao tiêu một lượng lớn trái cây ngoại nhập bằng con đường tiểu ngạch, nhiều nhất là Trung Quốc và Thái Lan. Các loại trái cây đi bằng đường tiểu ngạch (nhập lậu) thường là không nhãn mác, xuất xứ, không được kiểm định về chất lượng. Đặc biệt các loại trái cây nhập tiểu ngạch thường dùng các chất bảo quản để làm đẹp, giữ cho trái cây lâu hư.
Tại các chợ truyền thống ở TP.HCM, người tiêu dùng bây giờ không còn lạ lẫm với các loại trái cây như bòn bon, sầu riêng, mít, măng cụt, dâu da của Thái Lan và chúng được nhập khẩu ngày một nhiều. Bà Trần Thị Lý, tiểu thương bán trái cây ở chợ Bàu Cát (Quận Tân Bình) cho biết, trái cây Thái Lan trông bắt mắt, chất lượng khá và giá chỉ nhỉnh hơn trái cây Việt Nam chút đỉnh nên rất dễ bán. Theo bà Lý, trái cây Thái Lan về các chợ ở TP.HCM qua ngã sông nước miền Tây Nam bộ, hàng do thương lái bỏ mối đa số không có bao bì in nhãn mác nơi sản xuất, hạn sử dụng, không có thông số chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Người tiêu dùng Việt Nam thường có thói quen “chuộng hàng ngoại ”, trong đó có trái cây. Trái cây ngoại đang bày bán ở Việt Nam không phải loại nào chất lượng cũng tốt và người mua cũng khó phân biệt đâu là hàng nhập chính ngạch có qua kiểm dịch thực vật và đâu là hàng nhập lậu, vì vậy khi mua cần chọn lựa kỹ càng hơn.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa- Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe của mình, người tiêu dùng khi chọn mua trái cây ngoại nhập nên mua các loại trái vừa đủ độ chín, không qúa héo, có nhãn mác đầy đủ và mua ở những điểm bán tin cậy.