Lời giải cho “bài toán” tiêu thụ nông lâm thủy sản trong tình hình mới của Quảng Ninh - Bài 2: Tăng tốc xuất khẩu, “cứu nguy” cho nông lâm, thuỷ sản
Tăng tỷ trọng xuất khẩu nông lâm, thủy hải sản
Theo Sở Công Thương Quảng Ninh, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thời gian qua, đã có 1.166 doanh nghiệp (355 doanh nghiệp trong tỉnh, 811 doanh nghiệp ngoài tỉnh) đã tham gia làm thủ tục hải quan qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đã có trên 73,5 nghìn tờ khai hiện thủ tục hải quan qua Hệ thống VNACCS/VCIS với tổng kim ngạch các loại hình là 10.465 triệu USD, tăng 34% về tờ khai và tăng 31% về kim ngạch so với năm 2020. Trong đó các mặt hàng chính vẫn là sản phẩm nông lâm, thủy hải sản của Quảng Ninh và các tỉnh khác trong cả nước.
Đáng chú ý, hiện tỉnh Quảng Ninh có 14 vùng trồng cây ăn quả (3 vùng trồng nhãn, 7 vùng trồng thanh long, 4 vùng trồng vải); 3 cơ sở đóng gói hoa quả tươi, 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; các sản phẩm có lợi thế của Quảng Ninh được cập nhật thuộc danh mục 48 loài (chi) thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Hoạt động xuất khẩu hàng hoá nông lâm, thuỷ hải sản qua các cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh diễn ra ổn định mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 |
Trong 10 tháng đầu năm 2021, đã có 1.579 tấn nông sản (tăng 100% so với cùng kỳ năm 2020) của tỉnh Quảng Ninh, trị giá 1,06 triệu USD (tăng 100% so với cùng kỳ năm 2020) và 3.182 tấn thủy sản (tăng 355,3% so với cùng kỳ năm 2020), trị giá 14,53 triệu USD (tăng 419,8% so với cùng kỳ năm 2020) của tỉnh Quảng Ninh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, số nông lâm, thuỷ hải sản qua các cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh của các địa phương khác trong cả nước cũng tăng mạnh, trong đó có 1.579 tấn nông sản (tăng 100% so với cùng kỳ năm 2020), trị giá 1,06 triệu USD (tăng 100% so với cùng kỳ năm 2020) và 3.182 tấn thủy sản (tăng 355,3% so với cùng kỳ năm 2020), trị giá 14,53 triệu USD (tăng 419,8% so với cùng kỳ năm 2020).
Có thể nhận thấy, hoạt động xuất khẩu hàng hoá nông lâm, thuỷ hải sản qua các cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh trong thời gian gần đây luôn có sự tăng trưởng cao, đã phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng và lối mở biên giới.
Có được kết quả trên là nhờ thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Quảng Ninh trong hoạt động xuất khẩu nói chung và hoạt động xuất khẩu mặt hàng nông, thủy sản nói riêng đã được thực hiện hiệu quả tại các khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới; được các địa phương khu vực biên giới của tỉnh Quảng Ninh phối hợp thực hiện chặt chẽ.
Đồng thời, trước các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo rà soát để hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi nhất, thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Thêm nhiều giải pháp sớm được thực hiện
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có trao đổi, hội đàm để ký kết Nghị định thư về giảm tỷ lệ kiểm tra, kiểm dịch, xây dựng cơ chế kiểm tra nhanh các chứng thư kiểm dịch động, thực vật giữa Trung Quốc và Việt Nam đối với mặt hàng nông sản, thuỷ hải sản xuất khẩu. Đồng thời, tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực thị trường Đông Bắc Á; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản với các tham tán thương mại (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ) để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.
Tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm chuẩn hóa quy trình về nuôi trồng, sản xuất các loại nông sản, thủy sản |
Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh sẽ chủ trì, phối hợp với các tỉnh/ thành trong cả nước tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ nông dân áp dụng quy trình chuẩn hóa về nuôi trồng, sản xuất các loại nông sản, thủy sản; hướng dẫn kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, an toàn thực phẩm, mã vùng nuôi, mã doanh nghiệp; phương thức bảo quản, bao bì nhãn mác…để các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu của nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị các cơ quan chức năng các địa phương có vùng trồng nông sản, hoa quả trọng điểm phối hợp thông tin đến các địa phương biên giới để chỉ đạo điều tiết hợp lý lượng hàng hóa khi vào mùa vụ thu hoạch đưa lên các cửa khẩu nhằm tránh ùn ứ, bị ép giá, hư hỏng hàng hóa. Đồng thời thông báo tới các thương nhân chủ động phân loại, đóng gói, bao bì; phân định rõ chất lượng, chủng loại nông sản phù hợp với các điều kiện vận chuyển, giao nhận để rút ngắn thời gian giao hàng hóa tại cửa khẩu. Đối với các lái xe vận chuyển hàng hoá đề nghị có chính sách tiêm phòng, kiểm soát để đảm bảo công tác phòng dịch...
Với những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh, các hoạt động kiểm soát an toàn phòng chống dịch bệnh trong xuất nhập khẩu tiếp tục được đảm bảo, tạo điệu kiện lưu thông hàng hoá, là cầu nối góp phần tích cực thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các tỉnh qua các cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh Quảng Ninh đang cố gắng sớm triển khai dự án Trung tâm logistics giao dịch nông, lâm thủy sản châu Á Thái Bình Dương tại Km3+4 sông Ka Long, TP. Móng Cái để mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, hoa quả Việt Nam, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất khẩu nông sản, hoa quả sang thị trường Trung Quốc. |