Hiệu quả từ thương mại điện tử
Quảng Ninh đang có rất nhiều các mặt hàng nông sản được ưa chuộng tại thị trường và có sản lượng thu hoạch lớn như: Na, dưa lưới, vải thiều, bưởi, các loại thủy hải sản tươi, khô… Chính vì vậy, việc đưa các sản phẩm nông sản của địa phương lên các sàn TMĐT được tỉnh Quảng Ninh chú trọng.
Theo thống kê của Sở Công Thương Quảng Ninh, trên sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (//thuonghieuquangninh.gov.vn/; //teqni.gov.vn/) hiện có 305 sản phẩm của 75 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được niêm yết và giao dịch trực tuyến. Trong đó, có các sản phẩm nông thủy sản của tỉnh. Hệ thống sàn thu hút bình quân trên 1.000 lượt truy cập mỗi ngày. Từ đầu năm đến nay, đã có trên 2.000 đơn đặt hàng (trong đó có khoảng 80% chuyển cho các doanh nghiệp thực hiện giao dịch), doanh thu bán hàng qua sàn đạt gần 1,5 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện có hơn 300 sản phẩm OCOP, nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn Quảng Ninh được niêm yết và giao dịch trực tuyến |
Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với một số sàn thương mại điện tử trong nước hỗ trợ mở gian hàng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, nông sản, thủy sản trong tỉnh trên các sàn TMĐT Sàn postmart.vn: 136 sản phẩm; Sàn voso: 121 sản phẩm; Sàn Sen do 115 sản phẩm. (bao gồm các sản phẩm OCOP như: muối Sá sùng, Nước Mắm Sá sùng...). Ngoài ra, kênh bán hàng online của các chuỗi cửa hàng lớn tại Quảng Ninh như Vinmart, Vinmart +, siêu thị Go!; siêu thị MM Mega Market; siêu thị TTP; siêu thị Lan Chi…cũng có lượng giao dịch lớn. Từ ngày 15/9 - 29/9/2021 đạt 8.982 đơn hàng tương đương trên 4,2 tỷ đồng.
Lũy kế từ ngày 1/01/2021 đến ngày 25/10/2021, trên địa bàn tỉnh có đạt 289.105 đơn hàng giao dịch qua hình thức thương mại điện tử, tương đương gần 373 tỷ đồng.
Không chỉ thời điểm dịch bệnh mà trước đó không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã đã chủ động tìm đến các sàn TMĐT để đăng ký. Nhờ đó, nhiều đơn vị đã tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình, tiếp cận với các kênh phân phối lớn. Như tại thị xã Đông Triều, UBND thị xã đã xây dựng và đưa vào vận hành sàn TMĐT “DongTrieuMart.vn”, nhờ đó nhiều sản phẩm nông sản nói riêng và các sản phẩm hàng hóa được sản xuất tại địa phương được nâng cao giá trị, đa dạng thêm kênh phân phối, góp phần hỗ trợ tiêu thụ… - Ông Thân Ngọc Lợi - Quản trị sàn Đông Triều Mart - cho biết: “Kế hoạch đề ra là đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện và khi đó đối tượng được hướng đến không chỉ là khách hàng trong thị xã, trong tỉnh mà còn là khách hàng trong cả nước”.
Đông Triều là thị xã đầu tiên của Quảng Ninh xây dựng sàn thương mại điện tử để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản |
Ngoài ra, việc tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử là động lực để người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ tăng cường công tác xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, ổn định và truy xuất được nguồn gốc rõ ràng…
Theo bà Cao Hồng Vân - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Newstar: Từ khi tham gia sàn TMĐT và được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của công ty được thị trường đón nhận tích cực, người mua cũng tin tưởng hơn, đối tác cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể.
Như vậy, xu hướng mua sắm trực tuyến không còn là một phương thức tạm thời đối phó với dịch Covid-19 mà là xu hướng mới với nhiều ưu điểm cải tiến vượt trội, mang đến trải nghiệm mua sắm hiện đại và thông minh hơn cho người tiêu dùng. Đồng thời, phương thức này cũng thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ logistics.
Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tiếp tục mở rộng thị trường TMĐT
Để thị trường TMĐT phát triển cần xây dựng được lòng tin người tiêu dung và uy tín của doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức nhiều sự kiện TMĐT mang tính kích cầu cho thị trường trong nước, tạo môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp giới thiệu các mô hình TMĐT tiên tiến và người tiêu dùng sẽ được trải nghiệm, xây dựng thói quen, kỹ năng thương mại điện tử mới.
Ngành Công Thương Quảng Ninh đã tổ chức nhiều buổi kết nối, tập huấn, hướng dẫn các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử |
Bên cạnh đó, với những người đã quen với quy trình sản xuất thủ công, không quá chú trọng hình thức, cách quảng bá, việc đầu tư để phát triển trên sân chơi này vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành và triển khai phần mềm
Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu là xây dựng hạ tầng, triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT của tỉnh, đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có thị trường TMĐT trong tốp đầu, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường TMĐT phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025, Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh đạt từ 350 – 400 doanh nghiệp tham gia.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh - cho biết: Sở sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm với các sàn TMĐT lớn. Đặc biệt là phát huy vai trò làm “cầu nối” với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và các sàn TMĐT lớn trong nước, nhằm kết nối giao thương, góp phần tiêu thụ các sản phẩm của Quảng Ninh”.
Tuy nhiên, đi đôi với việc phát triển, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và tổ chức hoạt động TMĐT, đối tượng tham gia và chất lượng hàng hóa. Tăng cường phối hợp để phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật như trốn thuế, lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc…để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh trực tuyến và bảo vệ chất lượng sản phẩm tỉnh Quảng Ninh, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển TMĐT năm 2022 theo hướng ổn định, phát triển, thích ứng an toàn trong tình hình mới. Đến năm 2025 có thể đạt tỷ lệ 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu, bán sản phẩm của doanh nghiệp... |