Lối mở của thị trường điện cạnh tranh minh bạch
- Theo đó, giá bán điện được tính toán kiểm tra hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản (tỷ giá tính toán, giá nhiên liệu tính toán, cơ cấu sản lượng điện phát của các tháng đã qua) để xác định giá bán điện hiện hành.
Theo Thông tư này, Kể từ ngày 1/9, hàng tháng EVN sẽ tính toán chênh lệch giữa chi phí đầu vào và giá bán điện để đề xuất điều chỉnh giá điện. Cục Điều tiết điện lực có nhiệm vụ giám sát việc điều chỉnh giá, đồng thời công bố công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện hàng năm.
Thông tư cũng quy định, trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân nhỏ hơn 5% so với giá bán điện hiện hành thì EVN tính toán phân bổ vào giá bán điện bình quân để điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng tối đa 5%. Trường hợp tăng quá 5% phải được sự đồng ý của Chính phủ.
Việc kiểm tra, tính toán chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản được EVN tính toán trước ngày 20 hàng tháng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng.
Vấn đề nhiều người quan tâm là hiện nay EVN đang tham gia thị trường điện với tư cách vừa là người bán, vừa là người mua thì việc điều chỉnh giá điện có đảm bảo khách quan không? Về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó TGĐ EVN cho rằng, giá các nguyên liệu đầu vào đều có cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra. Họ xem xét và đều công khai trên thị trường. Khi theo cơ chế thị trường, yếu tố đầu vào tăng hay giảm sẽ được phản ánh vào giá điện. Cũng theo ông Lộc, hiện chúng ta đang thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh. Khi thị trường hình thành sẽ có những quy định công khai. Các nhà sản xuất đều biết được giá chào bán trên hệ thống.
Về việc EVN được điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức 5%, ông Lộc cho biết, với mức tăng 5%, EVN chưa thể bù lỗ. Tuy nhiên, việc tăng giá điện phải theo lộ trình từng bước. Nếu giá điện theo sát giá thị trường thì sẽ thu hút đầu tư tốt hơn và chắc chắn sẽ không thiếu điện như hiện nay.
Ông Phạm Lê Thanh – TGĐ EVN cũng cho rằng, việc xây dựng cơ chế giá điện hợp lý là rất cần thiết. Bởi vì hiện nay ngành điện đang mua điện giá cao để bán giá thấp với mức chênh lệch khoảng 100 đồng/kWh. Nếu hộ gia đình càng khá giả, dùng điện càng nhiều sẽ càng được Nhà nước bù giá tự nhiên nhiều hơn. Trong khi các hộ nghèo dùng dưới 50 kWh chỉ được trợ giá theo chính sách là 30.000 đồng/tháng. Điều này rất bất hợp lý và không khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: giá điện không phản ánh kịp thời chi phí và chưa được điều chỉnh ở mức độ hợp lý; Do giá bán lẻ điện bình quân quá thấp nên không thể thu hồi được chi phí sản xuất kinh doanh ở các khâu phát điện, truyền tải và phân phối. Việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là một trong những bước đi quan trọng để hình thành thị trường điện cạnh tranh minh bạch.
Thông tư cũng đề cập đến vấn đề sẽ trích quỹ bình ổn giá điện khi chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản nhỏ hơn và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết.
Ngọc Loan