CôngThương - Với 25 năm đổi mới, chính sách "mở cửa", hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) đã trở thành một bộ phận tất yếu, có quan hệ hữu cơ với cải cách bên trong của quá trình tăng trưởng, phát triển đất nước.
Chịu va đập
Theo dự thảo Báo cáo "Tác động của cam kết mở cửa thị trường trong WTO và các hiệp định khu vực thương mại tự do đến hoạt động sản xuất, thương mại của Việt Nam (VN) và các biện pháp hoàn thiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu (XNK) của Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015" (gọi tắt là Báo cáo), có sự khác biệt đáng kể về chính sách kinh tế vĩ mô giữa hai giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010.
Giai đoạn 2001-2005 kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, tăng trưởng cao dần, với dấu ấn là Luật Doanh nghiệp (phát triển của khu vực kinh tế tư nhân) và việc thực hiện Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ. Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và tự do hóa thương mại đã tạo điều kiện cho VN tận dụng hiệu quả lợi thế so sánh: chi phí lao động thấp, tài nguyên thiên nhiên. Bước đầu, đã có sự chuyển dịch tích cực trong sản xuất, XK các mặt hàng thâm dụng vốn, đòi hỏi trình độ công nghệ cao.
Báo cáo "Tác động của cam kết mở cửa thị trường trong WTO và các hiệp định khu vực thương mại tự do đến hoạt động sản xuất, thương mại của VN và các biện pháp hoàn thiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015" không có tham vọng phân tích tất cả các vấn đề liên quan đến chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam 10 năm trở lại đây, nhưng đã dành phần lớn thời lượng cho những đề xuất, kiến nghị và xem xét thực thi các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách thương mại, cơ chế quản lý xuất nhập khẩu" - Trưởng nhóm nghiên cứu, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển - cho biết. |
Giai đoạn 2006-2010 tạo cơ hội cho VN bứt phá nhờ đẩy nhanh hội nhập, song kết quả không như kỳ vọng. Đây cũng là giai đoạn VN chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2008) - diễn ra ngay sau 1 năm VN gia nhập WTO. Do đó, những bất ổn vĩ mô trở thành vấn đề nghiêm trọng do các cú sốc từ bên ngoài, cùng những sai lầm chính sách - chúng ta quá thiên vào mức độ tăng trưởng, với sự "bành trướng" của đầu tư, tín dụng, nên đã có những ứng xử chính sách vĩ mô thiếu kiên định, kịp thời và hiệu lực.
Nhưng ở góc độ thương mại, 10 năm hội nhập cho thấy rõ sự tiến bộ và ngày càng thông thoáng hơn của chính sách thương mại. Cụ thể, Nghị định 57 được ban hành, công nhận quyền XNK của DN tư nhân, giảm thiểu mức thủ tục hành chính. Ở cấp độ tổng thể, XK hàng hóa đã tăng từ 14,5 tỷ USD năm 2000 lên 39,8 tỷ USD năm 2006. Tính chung trong giai đoạn 2000-2006, XK tăng trung bình khoảng 28,4%/năm. Nhưng từ sau năm 2007, XK biến động mạnh hơn, tăng trưởng năm 2007 đạt 22%; năm 2008 đạt 29% và giảm vào năm 2009, trước khi phục hồi trong năm 2010. Hai nhân tố quan trọng dẫn đến kết quả tăng trưởng XK này, là mức tăng trưởng thương mại toàn cầu và tự do hóa thương mại đã cải thiện khả năng cạnh tranh.
Gia nhập WTO, VN hội nhập sâu hơn được thể hiện trên các nhân tố: Thứ nhất, tác động mạnh đến dòng vốn đầu tư và XNK của VN. Thứ hai, năm 2006, VN đã cắt giảm 90% các dòng thuế trong ASEAN xuống 0-5%, tiếp đến là cắt giảm thuế theo Hiệp định Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách mang tính chất đảo chiều: vừa phải chống suy giảm, vừa gồng lưng chống lạm phát, đã tác động đến nền kinh tế, dòng vốn đầu tư và hoạt động XNK. Nhập siêu quá cao từ năm 2006 đã trở thành vấn đề nghiêm trọng. Trong cả giai đoạn 2001-2010, nhập siêu từ Trung Quốc là lớn nhất, chiếm 23,2% trong tổng nhập siêu với các nước.
Hàm ý chính sách
Theo Báo cáo dự thảo, mức độ HNKTQT càng cao, lợi ích thu được càng lớn, nhất là khi kết hợp thực hiện các cam kết hội nhập đi đôi với đẩy nhanh cải cách trong nước. Tuy nhiên, hội nhập chỉ là điều kiện cần, nếu thiếu chuẩn bị, cải cách trong nước, phần lớn lợi ích sẽ rơi vào tay các đối tác thương mại. Việt Nam dễ tổn thương, bất ổn kinh tế vĩ mô trước những cú sốc về giá, suy thoái khủng hoảng tài chính... từ bên ngoài.
Trong dài hạn, VN vẫn có nguy cơ rơi vào “bẫy chi phí lao động thấp” hay “bẫy tự do hóa thương mại”, do lợi thế tĩnh sẽ cạn dần trong khi lợi thế cạnh tranh động nhờ lợi thế về quy mô, cạnh tranh và cải thiện công nghệ không được tạo dựng. Đối với các hiệp định thương mại mậu dịch tự do (FTA), mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa (trừ một số ít mặt hàng nhạy cảm) cao hơn nhiều cam kết trong WTO; tự do hóa đầu tư và dịch vụ không vượt nhiều WTO. Nếu như việc gia nhập WTO, sức ép lớn nhất là thể chế và dịch vụ, thì các FTA song phương và khu vực lại gây nhiều sức ép nhất về thương mại hàng hóa. Nhìn chung, các FTA của ASEAN, ASEAN +1 yêu cầu khoảng 90% số dòng thuế sẽ về 0% vào năm 2015, còn lại sẽ đưa về 0% vào năm 2018.
Với các FTA, thuế quan giảm mạnh là cơ hội lớn tiếp cận thị trường và XK của VN, nhất là các đối tác thường tự do hóa nhanh hơn hoặc có ưu đãi hơn. Tận dụng cơ hội đến đâu, còn tùy thuộc vào chính sách thuận lợi hóa thương mại của Chính phủ và khả năng đáp ứng quy tắc, quy định liên quan đến hàng rào kỹ thuật, việc liên kết mạng phân phối cũng như việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng đối với DN VN, đặc biệt là giai đoạn từ 2015, bởi khi đó, tỷ lệ bảo hộ hữu hiệu sẽ giảm đáng kể. DN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu không dần vươn lên, tạo dựng lợi thế cạnh tranh động, thông qua đón nhận, học hỏi công nghệ, kỹ năng quản lý và tận dụng lợi thế nhờ quy mô liên kết.
Lộ trình bảo hộ một số ngành dài hơn vừa tạo điều kiện cho DN có thời gian chuẩn bị, song cũng có thể sai lệch phân bổ nguồn lực, khả năng thu hút FDI hiệu quả trong dài hạn. Mức độ chênh lệch đáng kể trong tỷ lệ bảo hộ hữu hiệu cho đến năm 2015 có thể ít nhiều làm chệch hướng phát triển thương mại, đầu tư.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhìn nhận, các biện pháp: thuế, phi thuế quan phải đủ tinh vi và phù hợp với các quy định mà VN đã cam kết. Các biện pháp đưa ra phải được đánh giá trên cơ sở khoa học, dựa trên các phân tích chi phí, lợi ích lên nền kinh tế. Mặt khác, các chính sách, biện pháp thúc đẩy XK, hạn chế nhập siêu liên quan tới nhiều bộ, ngành, vì vậy, việc xây dựng một thể chế mới để đưa ra các biện pháp, chính sách tổng hợp là hết sức cần thiết.