H uyện Nam Trà My là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất cây dược liệu nói chung và Sâm Ngọc Linh nói riêng. Thời gian qua, huyện đã thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa rẫy kém hiệu quả, diện tích đất trồng keo sang trồng cây ăn quả và cây dược liệu... và cây Sâm Ngọc Linh đã góp phần to lớn vào phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Hiện nay trên địa bàn huyện Nam Trà My có 7 xã được quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích quy hoạch hơn 15.500ha. Huyện đã chủ động ban hành các cơ chế phù hợp, khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng chung tay bảo tồn, phát triển loại sâm quý hiếm. |
Là người con dân tộc Ca Dong nơi đỉnh Ngọc Linh, chị Hồ Thị Mười đã có 7 năm gắn bó với sâm Ngọc Linh. Chị hiện là. Giám đốc Hợp tác xã cộng đồng Ngọc Linh, Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Mười Cường (chuyên kinh doanh Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu). Chị Mười cho biết, nhờ Sâm Ngọc Linh cuộc sống của chị và đồng bào nơi đây thay đổi rõ rệt. |
|
UBND huyện Nam Trà My cũng tổ chức các phiên chợ Sâm Ngọc Linh hằng tháng. Phiên chợ nhằm mục đích bảo đảm cho khách hàng mua đúng sâm thật, do người trồng sâm bán trực tiếp, các sản phẩm từ sâm của các doanh nghiệp có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, các hoạt động khác diễn ra tại hội chợ như gặp gỡ, trao đổi giữa các hộ trồng sâm, các doanh nghiệp trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh, giao lưu văn hóa, ẩm thực đồng bào các dân tộc miền núi… |
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký quyết định phê duyệt chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Chương trình với mục tiêu xây dựng và phát triển Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh. |
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030, bảo tồn nguồn gen Sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; Phấn đấu diện tích trồng Sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng Sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Sản lượng khai thác Sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương. Đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ Sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt). Chương trình định hướng đến năm 2045 sẽ phát triển Sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất Sâm lớn trên thế giới. |
Chương trình áp dụng đối với các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam, gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu. Với các trung tâm phát triển Sâm Ngọc Linh, các hộ trồng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, việc Chương trình phát triển Sâm Việt Nam được phê duyệt sẽ tạo điều kiện để phát triển mạnh cây sâm Ngọc Linh và sớm đưa sản phẩm trở thành thương hiệu sản phẩm quốc gia và vươn tầm quốc tế. |
Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My cho hay: “Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 hội tụ đủ đầy các mục tiêu, chiến lược, giải pháp để đưa cây Sâm Ngọc Linh vươn ra thế giới, trong tương lai, ngang tầm với cây sâm Hàn Quốc. Việc này giúp xây dựng được nguồn sâm gốc, trong tương lai cung ứng cho các doanh nghiệp, người dân”. Tương tự, chị Hồ Thị Thúy Ngân – Giám đốc Công ty CP Lâm Dược Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) phấn khởi: “Khi nghe tin Chương trình Sâm được phê duyệt, tôi cũng như bà con ở đây rất là mừng, bà con không phải lo sợ sâm sẽ mất giá, mà sâm càng ngày càng có giá trị hơn, bà con sẽ cùng với huyện nhà đưa sâm ngày càng vươn ra thế giới”. |
Để Sâm Ngọc Linh chinh phục người tiêu dùng thế giới, trở thành ngành công nghiệp “tỷ đô” thì cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược. Đây sẽ là cầu nối, đưa sản phẩm Sâm Ngọc Linh vươn xa trên thị trường quốc tế với nhiều loại sản phẩm chế biến sâu, từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế mà cây Sâm Ngọc Linh mang lại. Chị Nguyễn Thị Thu Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Sâm Vina cho rằng chị cũng như cộng đồng nuôi trồng rất là tự hào khi Chương trình Sâm vừa được Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên để phát triển sâm Ngọc Linh ra thế giới cần sự chung tay vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp để Sâm Ngọc Linh xứng tầm với giá trị của nó mang lại. |
Các doanh nghiệp trồng, kinh doanh các sản phẩm sâm cũng cho biết, để làm được điều này, nhà nước cần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tìm hiểu, xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của cây sâm và các sản phẩm từ sâm. Ông Trần Hữu Nghĩa – Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Bảo Ly cho biết: “Chúng tôi muốn được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, tạo điều kiện để chúng tôi phát triển về giao thương, hỗ trợ nguồn vốn, tạo điều kiện để học hỏi, tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài, từ đó tạo ra nguồn doanh thu cao hơn”, ông Nghĩa mong muốn. Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua đã thu hút nhiều doanh nghiệp có năng lực (về tài chính, khoa học, nhân lực…) để đầu tư thu mua chế biến qua nhiều loại sản phẩm. Hiện các sản phẩm từ sâm cũng khá đa dạng và đã đưa vào chế biến sâu. |
Thời gian tới, về lĩnh vực chế biến, tỉnh tham mưu đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng đề án hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với cây Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, cây dẫn dắt. Việc này sẽ tạo ra cơ sở để phát triển ngành công nghiệp chế biến, đa dạng hóa các loại sản phẩm và các sản phẩm phù hợp với thị trường, nhu cầu cũng như năng lực tiếp cận của các thành phần xã hội. Từ đó, tạo ra cơ sở để hình thành nên chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giúp Sâm Ngọc Linh sẽ phát triển tốt hơn, từng bước vươn ra thế giới. Ông TRẦN ÚT |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay, trên địa bàn tỉnh diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh đã được xác định khoảng 15.567 ha. Tỉnh cũng đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích bảo tồn phát triển cây Sâm Ngọc Linh; đồng thời có nhiều chương trình, dự án đã và đang thực hiện đã góp phần thúc đẩy việc bảo tồn, phát triển và tiêu thụ sản phẩm từ cây Sâm Ngọc Linh. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) thành ngành công nghiệp sản xuất sâm đạt thương hiệu sản phẩm Quốc gia Sâm Việt Nam; đưa ngành sản xuất và chế biến Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển kinh tế bằng cây Sâm Việt Nam. Đến năm 2045, tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm cung ứng Sâm Ngọc Linh trên toàn quốc; sản xuất, cung ứng cây giống Sâm Ngọc Linh, Sâm nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ Sâm; góp phần đưa nước Việt Nam trở thành nước sản xuất Sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất Sâm của Hàn Quốc. Để “hiện thực hóa” được mục tiêu, ngoài việc vận dụng những cơ chế khuyến khích hỗ trợ đã có, Quảng Nam sẽ xây dựng thêm các cơ chế thu hút, ưu đãi hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật vào tham gia sản xuất giống Sâm Ngọc Linh đạt chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh đạt chuẩn GMP-WHO như: Thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm,... Trong đó ưu tiên tập trung phát triển nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến tại các vùng trồng Sâm tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất, quảng bá hình ảnh cây Sâm Ngọc Linh để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hướng hỗ trợ người dân thành lập các Hợp tác xã dược liệu để vận dụng cơ chế chính sách hỗ trợ trong phát triển cây Sâm Ngọc Linh gắn với tiêu thụ sản phẩm. “Thứ nhất, Bộ Thông tin truyền thông cần có chiến lược quảng bá để mọi người có thể biết về Sâm Ngọc Linh; thứ hai Bộ Khoa học công nghệ cần có những nghiên cứu để bảo tồn, nhân giống bằng công nghệ để đám ứng cho thị trường; thứ ba cần chú trọng trong vấn đề bảo đảm an ninh sâm”, ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My kiến nghị. |
Thứ nhất, Bộ Thông tin truyền thông cần có chiến lược quảng bá để mọi người có thể biết về Sâm Ngọc Linh; thứ hai Bộ Khoa học công nghệ cần có những nghiên cứu để bảo tồn, nhân giống bằng công nghệ để đám ứng cho thị trường; thứ ba cần chú trọng trong vấn đề bảo đảm an ninh sâm”. Ông TRẦN DUY DŨNG |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng, để Chương trình Sâm Quốc gia đi vào thực tiễn, đầu tiên chúng ta phải triển khai nhanh, bởi vì Hàn Quốc đi trước hàng trăm năm. Nếu chúng ta đi chậm thì mãi mãi đi sau họ. “Chính vì vậy, đầu tiên chúng ta phải tuyên truyền cây sâm Việt Nam là một loại rất quý. Thứ hai, cần phải có nguồn lực cụ thể (từ trung ương, đia phương và ngoài xã hội) để đầu tư, phát triển Sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia. Thứ ba, từ các nguồn lực chúng ta cần phải nghiên cứu khoa học, di thực, làm ra nhiều sản phẩm đồng thời quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Phải tạo cơ chế, khơi thông nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển. Đặc biệt, cần phải có hành lang pháp lý để hỗ trợ cho việc phát triển và phải có kế hoạch rõ ràng để thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh. |
Với cách nhận diện Sâm Ngọc Linh là cây tạo ra quốc kế dân sinh một cách bền vững, Quảng Nam đang vạch ra chiến lược hết sức bền vững để khai thác giá trị của cây dược liệu số 1 Việt Nam. Cùng với việc Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được phê duyệt, việc tiến đến khai thác giá trị Sâm Ngọc Linh theo hướng công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm và du lịch là bước đi đột phá tạo động lực để kinh tế - xã hội Quảng Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian đến. |
Thực hiện: Xuân Hoài - Hạ Vĩ |