Là một tỉnh cửa ngõ của Tây Bắc, thường xuyên hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt mưa lũ, bão. Do vậy công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân luôn được ngành Công Thương Hòa Bình chú trọng, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh. Cơn bão số 3 đi qua, nhưng hoàn lưu của bão đã gây thiệt hại nặng nề cơ sở hạ tầng, tài sản của nhân dân của 18 tỉnh khu vực phía Bắc, đặc biệt là thiệt hại về con người tại một số tỉnh như: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng… Do địa hình, địa lý hết sức khó khăn trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu cung ứng cho người dân nếu bị chia cắt về giao thông, ngay từ khi có thông tin về cơn bão số 3, Sở Công Thương Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng chuẩn bị sẵn nguồn hàng dự trữ tại các khu vực, địa bàn dân cư, nhằm đảm bảo đủ nguồn cung và tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa với giá cả bình ổn. Chia sẻ với phóng viên Vuasanca , bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cho hay: Để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến của bão số 3 và ảnh hưởng mưa lũ do hoàn lưu bão, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình đã thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Sở Công Thương đã ban hành Văn bản số 2265/SCT-QLTM ngày 06/9/2024 gửi UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh về triển khai thực hiện ứng phó khẩn cấp cơ bão số 3 cũng như văn bản về việc chuẩn bị hàng hóa thiết yếu ứng phó khẩn cấp với ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Đồng thời chỉ đạo, phân công cán bộ Lãnh đạo Sở, các phòng chuyên môn, đơn vị thực hiện trực cơ quan để kịp thời xử lý, sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất thường xảy ra khi cơn bão số 3 đổ bộ. |
Để kịp thời nắm bắt tình hình và có chỉ đạo sát với diễn biến của thị trường, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan đi kiểm tra đột xuất, nắm bắt tình hình cung ứng, dự trữ hàng hoá tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở trên địa bàn tỉnh, nhắc nhở việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, giám sát thị trường hàng hóa trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan. Theo Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở đã thông tin liên lạc thường xuyên với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để chủ động trong công tác dự trữ hàng hóa của đơn vị mình, phân nhỏ lượng hàng dự trữ ở các kho khác nhau, gia cố đảm bảo an toàn, chống ngập lụt nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa xuyên suốt, liên tục. Đồng thời, tăng cường các kênh bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử,… để phục vụ người dân. Đối với các doanh nghiệp xăng dầu, đề nghị chủ động dự trữ và có phương án cung ứng xăng dầu cho toàn hệ thống đại lý bán lẻ xăng dầu và các cửa hàng trực thuộc. Đặc biệt chú trọng đến khu vực thường xảy ra thiên tai, lũ lụt, khu vực có nhiều công trình trọng điểm đang thi công, đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh và an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh; không lợi dụng tình hình thiên tai, lụt bão để tăng giá, thực hiện nghiêm việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. “Theo nắm bắt thông tin đến thời điểm bão số 3 đổ bộ vào đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trên địa bàn tỉnh các chợ, siêu thị, nhà phân phối, ….; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu vẫn đang hoạt động bình thường, nguồn cung hàng hoá luôn đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.”- bà Hà cho biết thêm. |
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra mưa to nên giá các mặt các mặt hàng mặt có biến động tăng nhẹ như lương thực, thực phẩm hàng tươi sống, rau, củ, quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện cam kết dự trữ đủ số lượng hàng hoá đã ký kết tại Công văn số 818/SCT-QLTM ngày 11/4/2024 của Sở Công Thương về việc dự trữ hàng hóa phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, đơn cử như: Công ty TNHH Anh Phong 3.000 thùng mỳ ăn liền, 100 thùng lương khô, 2 tấn gạo, 1.000 nước uống đóng chai; Công ty CP Thương mại Định Nhuận là 5.500 thùng mỳ ăn liền, 370 thùng lương khô và 30 tấn gạo; Công ty CPTM Sơn Anh là 300 thùng mỳ ăn liền, 15 thùng lương khô, 100 nước uống đóng chai; Chi nhánh xăng dầu Hòa Bình: 45.000 lít xăng; 35.000 lít dầu; DNTN Tuấn Khánh: 30.000 lít xăng; 30.000 lít dầu; DNTN Thành Long: 100.000 lít xăng; 100.000 lít dầu… Qua nắm bắt nhanh, các doanh nghiệp cam kết cung cấp đủ số lượng hàng hoá dự trữ, trong tình huống xấu nhất xảy ra chia cắt trên địa bàn tỉnh, có thể duy trì trên 15 ngày hoạt động cung cấp hàng hoá cho nhân dân. Ngoài ra, huy động nguồn hàng từ các cơ sở nhỏ lẻ, tiệm tạp hoá để đảm bảo hoạt động thương mại diễn ra một cách bình thường, không gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Hiện vào mùa mưa bão, công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu, đảm bảo các phương án vận chuyển khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra đã được Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh chủ động và sẵn sàng đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. |
Thu Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |