Chúng tôi có mặt tại Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (gọi tắt Supe Lâm Thao) khi mà đã gần cuối ngày làm việc. Trong khuôn viên rộng gần 80ha, Supe Lâm Thao dành 25% diện tích để trồng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, nhờ đó đã góp phần tạo không gian xanh, giảm bụi, giảm tiếng ổn, hình thành mô hình công viên trong nhà máy. Chia sẻ với phóng viên ông Trần Đại Nghĩa – Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Công tác bảo vệ môi trường luôn được Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm, đứng trước xu thế chung của thế giới về sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, tại COP 26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Trước xu thế không thể đảo ngược và chủ trương tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, trong những năm qua Supe Lâm Thao đã triển khai rất nhiều dự án, đa phần các dự án đều tập trung vào công tác bảo vệ môi trường. “Theo đó, 100% nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý và tuần hoàn tái sử dụng”- ông Trần Đại Nghĩa cho hay. Cụ thể, nước thải sinh hoạt được thu gom tập trung vào trạm tròn, sau đó được bơm vào bể điều hòa để trộn đều. Nước thải sau khi trải qua các công đoạn xử lý sẽ tự chảy qua bể lắng rồi được đưa sang bể khử trùng, sau đó đưa vào bể chứa đã xử lý, bơm trở về hồ tuần hoàn để tái sử dụng. |
Đối với khí thải, thực hiện Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, công ty đã triển khai đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát khí thải tại tất cả các dây chuyền sản xuất. Hệ thống giám sát khí thải tự động được kết nối và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, công ty cũng chủ động áp dụng các giải pháp để kiểm soát, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu và Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. |
Cũng theo ông Trần Đại Nghĩa, ngoài giải pháp xử lý khí thải, nước thải công ty có nhiều giải pháp để giảm thiểu tiêu hao năng lượng và tiêu hao năng lượng phù hợp cho giảm phát thải, công ty đã tận dụng hơi nhiệt thừa để phát điện với công suất 3MW, sử dụng nhiên liệu sinh khối thay cho nhiên liệu hóa thạch là dầu DO và than từ năm 2012 đến nay và nhiều giải pháp khác để tiết kiệm năng lượng như sử dụng biến tần, sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng… Riêng đối với chất thải rắn, công ty đã thuê một đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý. Đặc biệt với chất thải nguy hại, công ty thực hiện thu gom, đóng gói, dán nhãn, bảo quản lưu giữ tạm thời tại kho chứa riêng theo đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Không giấu nổi tự hào về một doanh nghiệp đã có những bước chuyển mình và đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi sản xuất xanh của ngành công nghiệp hóa chất và nông nghiệp sạch Việt Nam, ông Trần Đại Nghĩa cho hay, không chỉ tập trung cho sản xuất xanh và sạch, trong những năm qua Supe Lâm Thao cũng đã tập trung nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm rồi cho ra thị trường những sản phẩm mới thân thiện môi trường, nâng cao “sức khỏe” cho đất, giảm lượng phân bón, nhằm góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh. “Cụ thể Supe Lâm Thao đã sản xuất sản phẩm hữu cơ khoáng, chúng tôi đã cấy được vi sinh trên nền các sản phẩm phân vô cơ như Supe Lân, phân vi sinh NPK… bằng các giải pháp đó công ty đã đưa các sản phẩm phân bón mới ra thị trường, góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, bảo vệ môi trường đất,sức khỏe người trồng và người tiêu dùng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính”- ông Trần Đại Nghĩa khẳng định. Ông Nghĩa cũng cho biết, với mục tiêu vì người tiêu dùng, công ty sản xuất và cung cấp sản phẩm đi từ các nguồn nguyên liệu sạch, được kiểm soát chặt chẽ bởi quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm sạch, thân thiện, không gây hại môi trường. |
Đồng thời, công ty đã áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001: 2015 cho toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện sản xuất xanh, công ty cũng gặp không ít khó khăn và thách thức và cần sự vào cuộc, hỗ trợ, đồng hành từ cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó đáng chú ý là dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, để phù hợp với tình hình thực tế, công ty mong muốn cơ quan soạn thảo xem xét nội dung quy định các giá trị tối đa cho phép trong các QCVN phải căn cứ vào điều kiện thực tế của các nhóm ngành nói riêng; xem xét đến trình độ công nghệ sản xuất và xử lý chất thải, khả năng đầu tư, chi phí đầu tư của Việt Nam nói chung; đồng thời cần có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội; mức thu nhập của Việt Nam so với các nước phát triển (G7, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản,…). Bên cạnh đó, Supe Lâm Thao cũng đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp có máy móc thiết bị đã lạc hậu để triển khai thực hiện các dự án về xử lý môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhằm đạt mục tiêu chung của Quốc gia là đưa mức phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào 2050. Bằng các hoạt động nghiên cứu đổi mới, đầu tư cải tạo, với tinh thần chủ động phát huy sức mạnh nội lực, thời gian qua Supe Lâm Thao đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tích cực vào lộ trình chuyển đổi nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Đây là sự khẳng định của Supe Lâm Thao trong việc hưởng ứng cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26. Kiên định mục tiêu phát triển bền vững đi đôi bảo vệ môi trường, Supe Lâm Thao mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp các ngành để có thêm nhiều thành tựu mới, góp phần cùng các doanh nghiệp trong nước đóng góp có hiệu quả cùng cộng đồng quốc tế trong việc triển khai thực hiện cam kết nêu trên”- đại diện lãnh đạo công ty nhấn mạnh. |
Thu Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |