Kinh tế phục hồi, bức tranh sản xuất công nghiệp đã có gam màu sáng, cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc và bắt đầu tạo được “sức bật” mạnh mẽ. |
Theo Bộ Công Thương, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” tình hình sản xuất công nghiệp trong nước đã có những bước hồi phục mạnh mẽ, từng bước khắc phục và nối lại được các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với sản lượng sản phẩm và số lượng đơn hàng mới đều gia tăng. Điều này đã tạo giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng 2021 tăng 5,74%). Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Trong phạm vi cả nước, có tới 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng và nhiều địa phương tăng ở mức rất cao. Bức tranh sản xuất công nghiệp 6 tháng ghi danh rất nhiều địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ. Cụ thể, Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước (48,9%). Theo sau là Lai Châu, Quảng Nam, Hà Giang, Bình Phước, với tốc độ tăng IIP lần lượt đạt 45,4%, 25%, 23,9% và 22,1%. |
Trao đổi với Vuasanca , ông Trần Quang Tấn- Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số sản xuất công nghiệp cho biết, có được kết quả trên là do kinh tế của tỉnh có bước phục hồi nhanh. |
Khẳng định mức tăng trưởng chỉ số sản xuất đột biến của một số địa phương trong 6 tháng đầu năm, TS Trịnh Thị Thanh Thuỷ - chuyên gia kinh tế đánh giá, phải thừa nhận một số địa phương đã có chỉ số sản xuất công nghiệp bứt phá, nên mới đạt được tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp cao. Trong đó, điển hình là Bắc Giang, Bắc Ninh… một trong những địa phương được đánh giá có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. “Bên cạnh đó, sự phát triến của sản xuất công nghiệp đã đấy nhanh tốc độ đô thị hóa tại các địa phương; thúc đấy các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp phát triển”- TS Trịnh Thị Thanh Thuỷ nhấn mạnh.. Nhìn nhận kết quả trên ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ, tại thời điểm đỉnh dịch, Bộ Công Thương đã triển khai tới các địa phương tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội. |
ở chiều ngược lại, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh khiến chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp của một số địa phương tăng thấp. Cụ thể, những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp thấp nhất 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp là: Tiền Giang 5,7% Long An tăng 5,5%; Bà Rịa Vũng Tàu tăng 4,7%; Bắc Kạn tăng 4,4 %; Đà Nẵng tăng 3,1%; TP. Hồ Chí Minh tăng 3,1%; Bình Thuận tăng 2,1%; Ninh Bình tăng 1,7%; Hà Tĩnh tăng trưởng âm 7,3 %; Trà Vinh tăng trưởng âm 25,7%. |
Tổng cục Thống kê cũng đưa ra nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn dẫn đến chỉ số chỉ số sản xuất công nghiệp của một số địa phương tăng thấp, thậm chí giảm. Đáng chú ý, Hà Tĩnh và Trà Vinh là 2 địa phương ghi nhận tốc độ chỉ số sản xuất công nghiệp giảm trong 6 tháng đầu năm 2022, lần lượt giảm 7,3% và 25,7%. Nêu rõ nguyên nhân, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp các địa phương nêu trên gặp nhiều khó khăn có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm do ảnh hưởng Covid-19, theo đó lĩnh vực đặc thù như khai khoáng, hóa chất, thép chế biến thực phẩm chỉ số sản xuất giảm rất rõ. Đơn cử như Hà Tĩnh địa phương ghi nhận tốc độ chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, nguyên nhân là do khu vực công nghiệp và xây dựng giảm do Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố đang phải ngừng hoạt động đến nay chưa khắc phục được. Tổng sản lượng điện trong 6 tháng qua chỉ sản xuất được 4.121 triệu kWh, giảm 36,34% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng nhà máy nhiệt điện I chỉ sản xuất 1.845 triệu kWh giảm 53,34% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, trong khi các động lực tăng trưởng chính (Formosa, Nhiệt điện Vũng Áng I) sản xuất sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp thì sản xuất ngành công nghiệp vẫn chưa có các năng lực mới tăng thêm để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Văn Quảng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - cho biết, trong những năm qua, ngành công nghiệp luôn là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, "chỉ số sản xuất ngành công nghiệp giảm 7,26% đã “kéo” chỉ số tăng trưởng kinh tế đạt thấp. Cùng với đó, do giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá thép thành phẩm giảm, “hạt nhân” nền kinh tế là Formosa trong nửa đầu năm chỉ sản xuất được 2,67 triệu tấn thép, giảm 1,67% so với cùng kỳ. Nếu so với cùng kỳ năm 2021 thì sản lượng thép của công ty chỉ tăng hơn 1%...". Với sự sụt giảm lượng điện sản xuất trong 6 tháng vừa qua đã làm cho GRDP ngành công nghiệp giảm 11,46% so với cùng kỳ và làm giảm 3,94 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP toàn nền kinh tế. Đó là lý do chính làm cho san xuất công nghiệp của Hà Tĩnh tăng trưởng thấp trong thời gian qua. |
Đánh giá về triển vọng năm 2022, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cũng đánh giá: Qua kết quả tăng trưởng ngành công nghiệp có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự thích ứng tốt với bối cảnh mới, khả năng chống chịu tăng lên và các doanh nghiệp đều nỗ lực tìm lối đi riêng cho mình, vượt lên điều kiện khó khăn của dịch COVID-19. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp từ 7-8% trong năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức bởi những khó khăn mà nền kinh tế trong nước và thế giới đang phải đối mặt do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, tình hình lạm phát leo thang ở một số quốc gia là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Chính vì vậy, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, đòi hỏi ngành công nghiệp phải phát huy tối đa vai trò “cột trụ” để tạo đòn bẩy cho các ngành khác cùng tăng trưởng. |
Đưa ra giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, ông Phạm Tuấn Anh cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa... Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm... Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật. |
Ngoài ra, để giữ được mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong năm 2022 đối với top 10 các địa phương có tốc độ sản xuất công nghiệp tăng cao cũng không đơn giản. Chuyên gia kinh tế Trịnh Thị Thanh Thuỷ “hiến kế’, các địa phương cũng cần chuyển mạnh sang kinh tế số và Chính phủ điện tử, công khai minh bạch và có sự kết nối, giao ban, tiếp xúc thường xuyên giữa Chính quyền với doanh nghiệp. |
Tập trung vào giải pháp rộng hơn, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để tăng chỉ số só sản xuất công nghiệp tại các địa phương, thời gian tới cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu, vì đây là nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất, đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn. Ngoài ra thúc đẩy tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu. Phân tích cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Hương nêu, phải tiếp tục vận động người lao động quay lại làm việc góp phần vào quá trình phục hồi của kinh tế. Chính quyền các địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp về xây dựng chỗ ở cho người lao động khi họ quay lại làm việc. “Có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2% của nhà nước. Đặc biệt, cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế” theo Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ kịp thời và hiệu quả” - lãnh đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích. |
Nội dung: Lan Anh Hình ảnh: Cấn Dũng Đồ họa: Trang Thủy |