Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có vai trò quan trọng
Ngày 22/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về một số luật mới được Quốc hội thông qua.
Tại buổi họp báo, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giới thiệu những nét cơ bản về Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Theo đó, qua tổng kết thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (CNQP) năm 2008, Pháp lệnh Động viên công nghiệp (ĐVCN) năm 2003 và tổng kết quá trình xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh (CNAN) đã cho thấy những kết quả và thành tựu quan trọng, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về xây dựng, phát triển CNQP, CNAN và ĐVCN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng trong bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giới thiệu những nét cơ bản về Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ảnh: Thanh Tuấn |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các Pháp lệnh cũng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập như: Việc thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về CNQP, AN và ĐVCN chưa phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả; chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên nguồn lực cho xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN; chưa có chính sách hiệu quả để thúc đẩy khoa học và công nghệ trở thành động lực cho phát triển CNQP, AN; cơ chế thu hút, gìn giữ người lao động, chuyên gia, nhà khoa học và tổng công trình sư còn nhiều hạn chế, chưa khai thác được thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, doanh nghiệp để thực hiện ĐVCN gắn với thế bố trí tác chiến chiến lược và khu vực phòng thủ;...
Thượng tướng Phạm Hoài Nam cho hay, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008 và thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ CNQP, CNAN và ĐVCN trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan, việc xây dựng và ban hành Luật CNQP, AN và ĐVCN là rất cần thiết. Sau hơn 3 năm xây dựng, Luật CNQP, AN và ĐVCN đã được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 27/6/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng
Về mục đích xây dựng Luật, Thượng tướng Phạm Hoài Nam thông tin thêm, thứ nhất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của CNQP, CNAN. Tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển CNQP, AN; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở CNQP, cơ sở CNAN, cơ sở công nghiệp động viên...
Thứ hai, phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của CNQP, CNAN và ĐVCN trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở CNQP, hệ thống cơ sở CNAN phù hợp đặc thù CNQP, CNAN và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CNQP, CNAN và ĐVCN.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thanh Tuấn |
Thứ ba, huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển CNQP, AN và thực hiện nhiệm vụ ĐVCN, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.
Cũng theo Thượng tướng, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật nhằm: Thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển CNQP, AN và ĐVCN, trong đó có giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù cho CNQP, AN. Tuân thủ mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu chiến lược trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Đảm bảo phù hợp, thống nhất với Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018 và các văn bản pháp luật liên quan. Bảo đảm tính kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật hiện hành về CNQP, AN và ĐVCN đã được thực tiễn kiểm nghiệm còn phù hợp; đồng thời, bổ sung những vấn đề mới để giải quyết những nội dung về CNQP, AN và ĐVCN đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
“Bảo đảm gắn kết chặt chẽ và tận dụng tối đa năng lực của CNQP và CNAN. Tránh đầu tư trùng lặp trong xây dựng và phát triển CNQP, CNAN. Nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm của một số nước phù hợp với điều kiện và thực tiễn của Việt Nam về tổ chức, hoạt động của CNQP, CNAN và ĐVCN; pháp luật và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, Thượng tướng Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 17/4/2023, Bộ Công Thương và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã tổ chức buổi làm việc về công tác phối hợp giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Công nghiệp quốc phòng là một bộ phận hữu cơ, không tách rời của nền công nghiệp quốc gia. Phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự lực, tự cường lưỡng dụng, hiện đại, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh là chủ trương nhất quán, quan trọng của Đảng, Nhà nước, được đề ra từ rất sớm trong Chiến lược Quốc phòng Việt Nam cũng như trong định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, những năm qua, Bộ Công Thương và Bộ Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã phối hợp triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp về phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng và đạt được một số kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa sự kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp lưỡng dụng, buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Bộ Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình phát triển công nghiệp quốc phòng và việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp lưỡng dụng phục vụ dân sinh và quốc phòng thời gian qua.
Luật CNQP, AN và ĐVCN gồm 7 Chương, 86 Điều. Bao gồm: Chương I. Những quy định chung: Gồm 8 Điều (từ Điều 1 đến Điều 8). Chương II. Công nghiệp quốc phòng, an ninh: Gồm 7 Mục, 37 Điều (từ Điều 9 đến Điều 45). Chương III. Động viên công nghiệp: Gồm 3 Mục, 15 Điều (từ Điều 46 đến Điều 60). Chương IV. Chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp: Gồm 3 Mục, 9 Điều (từ Điều 61 đến Điều 69), Chương V. Hợp tác quốc tế và thương mại quốc tế về công nghiệp quốc phòng, an ninh: Gồm 7 Điều (từ Điều 70 đến Điều 76). Chương VI. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp: Gồm 7 Điều (từ Điều 77 đến Điều 83). Chương VII. Điều khoản thi hành: Gồm 3 Điều (từ Điều 84 đến Điều 86). |