EVN giải thích lý do tăng giá điện từ ngày 11/10/2024 Điểm danh các nước có giá điện cao nhất và rẻ nhất thế giới |
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, việc trục lợi trên không những gây bất ổn xã hội mà còn là cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, kích động người dân chống phá Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề trên, phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
Thưa Luật sư, ông đánh giá thế nào về việc giá điện tăng 4,8% ngày 11/10 vừa qua?
Trước hết, việc tăng giá điện 4,8% vừa qua là một điều chỉnh quan trọng, nhưng cũng nhạy cảm, vì điện là nguồn năng lượng thiết yếu ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động kinh tế. Từ góc độ pháp lý, việc tăng giá điện cần tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm tính minh bạch và công bằng, đặc biệt là theo các quy định của Luật Điện lực 2004 sửa đổi năm 2012 và các văn bản liên quan.
Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), có 3 cơ sở quan trọng để đơn vị này điều chỉnh giá điện là: Chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ với phóng viên Vuasanca (Ảnh: TH) |
Về chính trị: Triển khai “Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng” và “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định” theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về pháp lý: Thực hiện theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Căn cứ theo khoản 2, khoản 5 điều 3 và khoản b điều 5 của nghị định trên, theo đó: Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 03 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Về tình hình thực tiễn: Nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, giá thành các nguồn mua điện đắt, tỷ giá ngoại tệ (USD) năm 2023 tăng mạnh so với năm 2022 làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng bằng ngoại tệ (USD) hoặc giá mua nhiên liệu bằng ngoại tệ (USD). Theo đo, báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực cho thấy đơn vị điện lực (EVN) đang chịu lỗ trên 34.000 tỷ đồng.
Tất cả những cơ sở trên đều đã đáp ứng được Căn cứ lập và điều chỉnh giá điện theo Điều 30 của Luật Điện lực năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2012, cụ thể:
Điều 30. Căn cứ lập và điều chỉnh giá điện
1. Chính sách giá điện.
2. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.
3. Quan hệ cung cầu về điện.
4. Các chi phí sản xuất, kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực.
5. Cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
6. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực”
Từ những căn cứ trên, việc EVN tăng giá điện là hoàn toàn hợp pháp.
Thời gian qua, có tình trạng một số hộ kinh doanh nhà trọ lợi dụng việc này để tăng tiền điện phòng trọ lên quá cao (5.000 đồng/kWh), gây ảnh hưởng lớn đến người thuê nhà, tạo hiệu ứng xấu trong xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Trước hết, nói về tác động tiêu cực của việc tăng giá điện nhà trọ không đúng quy định: Theo quy định của Thông tư 16/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương, các hộ kinh doanh nhà trọ phải bán điện cho người thuê nhà theo đúng giá quy định, tương ứng với mức giá bán lẻ của từng cấp điện. Việc EVN điều chỉnh giá điện tăng lên 4,8% chỉ tương đương với tăng từ 100 đồng-200 đồng/kWh, nhưng chủ nhà trọ tăng giá điện lên đến 5000 đồng/kWh là hành vi vi phạm quy định và gây thiệt hại nghiêm trọng cho người thuê nhà. Điều này có thể dẫn đến:
Thứ nhất, gánh nặng tài chính cho người thuê trọ: Đa số người thuê trọ, đặc biệt là sinh viên và lao động thu nhập thấp, sẽ phải chịu mức chi phí sinh hoạt tăng cao. Điều này có thể làm giảm mức sống của họ, tạo thêm gánh nặng kinh tế, và có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội.
Hiệu ứng xã hội tiêu cực: Khi giá điện tăng lên mức không hợp lý, người dân có thể mất lòng tin vào cơ chế quản lý của nhà nước. Sự bức xúc trong xã hội có thể lan rộng nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời từ phía cơ quan chức năng. Tâm lý hoang mang và bất mãn dễ xuất hiện khi người dân cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Những thông tin sai lệch về giá điện hay tình trạng tăng giá điện không hợp lý có thể bị lợi dụng để khuấy động sự bất mãn trong quần chúng (Ảnh minh họa: Thu Hường) |
Thứ hai, cơ hội cho các thế lực xuyên tạc và chống phá: Trong bối cảnh này, việc các hộ kinh doanh nhà trọ tự ý tăng giá điện có thể tạo ra những cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc và chống phá. Một số tác động tiêu cực có thể kể đến như: Gây hoang mang và mất lòng tin trong xã hội. Những thông tin sai lệch về giá điện hay tình trạng tăng giá điện không hợp lý có thể bị lợi dụng để khuấy động sự bất mãn trong quần chúng. Các thế lực chống phá có thể thêu dệt, xuyên tạc rằng chính sách điều chỉnh giá điện của nhà nước thiếu minh bạch, không quan tâm đến đời sống của người dân, từ đó gây mất lòng tin vào chính quyền.
Đồng thời, khơi gợi sự phản kháng trong một số bộ phận người dân. Khi người dân cảm thấy bị thiệt hại và quyền lợi của mình không được bảo vệ, các thế lực thù địch có thể kích động người dân phản kháng, gây mất ổn định trật tự xã hội. Việc này có thể dẫn đến sự chia rẽ trong cộng đồng và tạo điều kiện cho các hoạt động chống phá.
Cuối cùng, tạo điều kiện cho tin tức giả mạo (fake news): Các tin tức về việc tăng giá điện sai lệch có thể dễ dàng bị lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang và làm trầm trọng thêm tình trạng mất ổn định thông tin.
Theo Luật sư, phải xử lý những trường hợp "tát nước theo mưa" này như thế nào? Cần cơ chế kiểm soát giá cả dịch vụ ra sao?
Việc các chủ trọ thu tiền điện nước cao hơn mức cho phép sẽ bị phạt hành chính, cụ thể: Theo Khoản 15 Nghị định 17/2022/NĐ-CP nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí quy định.
Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Tuy nhiên trên thực tế, việc xử vi phạm trên vẫn còn nhiều bất cập.
Vì vậy, để tránh tình trạng lợi dụng việc tăng giá điện không hợp lý, cần có những biện pháp pháp lý cụ thể. Theo đó, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường giám sát và kiểm tra các hộ kinh doanh nhà trọ, đảm bảo việc bán điện cho người thuê trọ tuân thủ đúng quy định pháp luật về giá điện.
Bên cạnh đó, các trường hợp vi phạm giá điện cần được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, để đảm bảo tính công bằng và răn đe đối với các hành vi lợi dụng tình hình tăng giá để trục lợi.
Ngoài ra, cũng cần có các biện pháp tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ về chính sách giá điện, cách tính toán và quyền lợi của họ để tránh bị lừa dối hay ép giá.
Vậy đối với các luận điệu xuyên tạc trên một số trang mạng xã hội vừa qua thì chúng ta cần có cơ chế gì để kiểm soát được vấn đề này, thưa ông?
Được biết, thời gian gần đây, một số trang mạng xã hội đã đăng tải những thông tin không chính xác, xuyên tạc và kích động người dân về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt liên quan đến chủ trương phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có lĩnh vực năng lượng.
Những tháng đầu năm 2024, trang t. đăng tải các video clip: “EVN là túi tham không đáy, cho 2 lần tăng giá điện vẫn báo lỗ 38 ngàn tỷ”; “Lối kinh doanh bá đạo của EVN: lời thì quan ăn, lỗ thì dân chịu”; “Bộ Công Thương dùng nồi EVN biến dân thành “ếch luộc”…
Hay mới đây, ngày 13/10/2024, trang b. đăng tải thông tin tăng giá điện, thay vì tập trung tìm hiểu nguyên nhân, bối cảnh và tình hình thực tiễn…, thì trang tin này lại nhấn mạnh vào “vấn đề liên tiếp “lỗ” khủng của EVN”. Bình luận dưới bài đăng này là nhiều ý kiến bức xúc.
Cũng trong ngày này, trang U. đăng dòng trạng thái trên Facebook: “Giá điện tăng: Ai là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất?”.
Những luận điệu xuyên tạc về việc tăng giá điện, như cáo buộc EVN "lỗ khủng" hoặc "dân phải gánh chịu", là các cách thức nhằm kích động tâm lý bất mãn trong xã hội, gây hoang mang và mất niềm tin vào chính sách của nhà nước. Tôi có thể khẳng định rằng các chính sách năng lượng của Việt Nam, bao gồm điều chỉnh giá điện, đều được thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng và minh bạch, phù hợp với định hướng thị trường. Việc lợi dụng thông tin này để chống phá là hành vi gây rối và cần được ngăn chặn kịp thời.
Chính sách tăng giá điện dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch và đã được Chính phủ phê duyệt theo cơ chế thị trường. Mọi sự điều chỉnh giá đều phải qua quá trình xem xét kỹ lưỡng, bao gồm các yếu tố như chi phí sản xuất và biến động thị trường quốc tế. Thay vì tập trung vào các thông tin chính xác và phân tích tình hình thực tế, một số trang đã lợi dụng sự kiện để gây bất bình trong dư luận, tạo ra hiểu lầm rằng các quyết định này không minh bạch.
Các trang thông tin đã bóp méo sự thật để kích động phản ứng tiêu cực từ người dân, và hành động này có thể bị coi là vi phạm pháp luật, gây mất ổn định xã hội. Người dân cần thận trọng, phân tích kỹ các nguồn tin và lắng nghe các giải thích từ cơ quan chức năng để tránh bị lôi kéo vào các luận điệu kích động.
Xin cảm ơn ông!