Tăng cường biện pháp xử lý
Theo luật sư Phạm Anh Tuấn - Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, đại diện bảo vệ chủ thể quyền của một số doanh nghiệp phần mềm trong nhiều năm: “Tùy vào mức độ vi phạm có thể xử lý hành chính hoặc tiến hành xử lý bằng biện pháp dân sự khi biện pháp hành chính không đạt được hiệu quả cần thiết. Chúng tôi đã khởi kiện ra tòa một số đối tượng xâm phạm, như năm 2014, chúng tôi đã tiến hành khởi kiện dân sự đối với Công ty Long John Đồng Nai và đã đạt được thỏa thuận trước khi mở phiên tòa bởi doanh nghiệp này đã hợp tác rất tốt”.
Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật. Ngoài ra, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền SHTT của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền theo Điều 198.1d, Luật SHTT và/hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải ngừng hành động vi phạm, chính thức xin lỗi và có biện pháp khắc phục, yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, kể cả thiệt hại vật chất, cũng như trả án phí theo các Điều 202, 204, 205 Luật SHTT. Mức độ thiệt hại được xác định dựa trên những tổn thất thực tế đối với người có quyền SHTT, do hành vi vi phạm quyền SHTT gây ra.
Ông Phạm Phi Anh - Phó Cục trưởng Cục SHcho biết, có 3 hướng giải quyết tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT là dân sự, hình sự, hành chính. Ở nhiều quốc gia, vi phạm này thường tránh hành chính, hình sự mà đi theo xu hướng giải quyết bằng biện pháp dân sự. Để giải quyết bằng biện pháp dân sự có hiệu quả nhất thì cần phải có hệ thống tòa án chuyên trách về SHTT và sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của công chúng thông qua việc tuyên truyền. Ngay cả khi có tòa án chuyên trách về SHTT thì nhận thức của cộng đồng, nhất là của các doanh nghiệp, cũng như mỗi cá nhân người tiêu dùng vẫn là trên hết. Bởi nếu không nhận thức đầy đủ về SHTT thì khó tòa án hay hình thức xử lý nào trọn vẹn, hiệu quả được.
Sau “Tháng hưởng ứng ngày SHTT thế giới” được phát động ngày 31/3 vừa qua với nhiều hoạt động tuyên truyền kéo dài đến ngày 30/4, các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về SHTT tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh vào tháng 5 và các tháng tiếp theo. Hành động mạnh tay này của các cơ quan thực thi cho thấy, bảo hộ quyền SHTT, trong đó có phần mềm máy tính, đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, nhằm bảo vệ hợp pháp chủ thể quyền cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. |
Đẩy mạnh hoạt động thanh tra
Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) - Trần Văn Minh cho biết thêm: “Năm 2014 đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 121 cuộc, trong đó thanh tra đột xuất 82 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới gần 2 tỷ đồng. Riêng quý I/2015, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với cơ quan chức năng, thanh tra đột xuất hàng loạt doanh nghiệp tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp đang làm việc với chủ sở hữu để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan thanh tra”.
Đây là tín hiệu tích cực từ phía cơ quan chức năng trong việc vận dụng các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, đồng thời truyền tải thông điệp “sống và làm việc theo pháp luật” tới công chúng. Theo đó, muốn sử dụng các chương trình máy tính giá trị cao để tăng lợi nhuận, tăng tích lũy cho doanh nghiệp mình thì đồng thời phải tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp khác.