MTA Hanoi 2019: Định hướng doanh nghiệp cơ khí trong kỷ nguyên 4.0
Một trong những ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo trong giai đoạn tới, theo Tổng hội Cơ khí Việt Nam, là nên tập trung phát triển một số lĩnh vực mang tính nền tảng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí (ôtô, đóng tàu, chế tạo thiết bị, máy móc phục vụ các lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp); khuyến khích các doanh nghiệp luyện kim trong nước đầu tư sản xuất thép chế tạo để cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho ngành cơ khí… Muốn vậy, cần có các chính sách thích hợp, bao gồm việc thúc đẩy các doanh nghiệp cơ khí chủ động bắt nhịp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trình diễn công nghệ tại triển lãm MTA |
Theo điều tra khảo sát 188 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, cơ khí Việt Nam do Công ty TNHH PwC thực hiện năm 2018, khoảng 67% số doanh nghiệp đã nhận thức được tầm ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 3 năm tới. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ khoảng 33% doanh nghiệp được khảo sát chưa hiểu rõ những tác động của cách mạng 4.0 tới xu thế phát triển thị trường cũng như hoạt động kinh doanh.
Để cạnh tranh phát triển và hội nhập, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cơ khí Việt Nam cần phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội, xác định rõ các thách thức, cập nhật và cải tiến qui trình sản xuất, công nghệ mới…, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh.
Đáp ứng xu thế hiện đại hóa sản xuất và nhu cầu phát triển của ngành cơ khí Việt Nam, Triển lãm MTA Hanoi 2019 sẽ được UBM VES (thuộc Informa - tập đoàn hàng đầu về dịch vụ thương mại điện tử và tổ chức sự kiện B2B) phối hợp với các bên liên quan tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 16-18/10/2019. Tại đây, khoảng 175 thương hiệu quốc tế và Việt Nam sẽ trưng bày, giới thiệu các công nghệ, máy móc, công cụ hiện đại nhất phục vụ cho ngành cơ khí, gia công kim loại, bao gồm các giải pháp công nghệ 4.0. Đây là một diễn đàn giao thương quốc tế hữu ích, góp phần giúp các doanh nghiệp cơ khí, sản xuất công nghiệp phía Bắc Việt Nam tiếp cận, cập nhật thông tin, các xu thế công nghệ, giải pháp sản xuất mới, tiên tiến.
Muốn làm chủ công nghệ 4.0, cần phải hiểu rõ cách mạng 4.0 là gì? Cách áp dụng thành công các công nghệ thông minh vào mô hình kinh doanh của doanh nghiệp ra sao? Làm thế nào để xác định và đáp ứng được các yêu cầu thị trường cơ khí từ cuộc cách mạng 4.0…? Muốn vậy, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cần phải có tầm nhìn chiến lược dựa trên 4 yếu tố: Mục tiêu, phạm vi, lợi thế cạnh tranh và năng lực cốt lõi. Những vấn đề này sẽ được đề cập chuyên sâu tại các hoạt động hội nghị, hội thảo, tọa đàm bên lề triển lãm MTA Hanoi 2019.
Ông Tee Boon Teong - Tổng giám đốc UBM VES - nhận định: Công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại trưng bày, giới thiệu tại triển lãm, cũng như các kiến thức, kinh nghiệm, thông tin về xu thế phát triển của ngành cơ khí… được cập nhật trong khuôn khổ MTA Hanoi 2019, sẽ góp phần gợi mở những bước đi mới phù hợp cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam trên con đường tìm kiếm lời giải cho bài toán phát triển bền vững, tận dụng thời cơ, nhận diện được lợi thế và các thách thức trong thời đại 4.0, từ đó đề ra các chiến lược thích hợp làm chủ các công nghệ hiện tại cũng như trong tương lai.