Sản phẩm OCOP Bắc Giang: Giúp người dân nâng cao thu nhập Khẳng định chất lượng sản phẩm OCOP Bắc Giang |
Sản phẩm OCOP tự hào xuất ngoại
Với điều kiện tự nhiên, diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn, Lục Ngạn là mảnh đất không những có thổ nhưỡng, khí hậu mát, ôn hòa, mà còn là một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng, từ đó hình thành nhiều sản phẩm OCOP mang đậm nét riêng. Ngoài ra, huyện còn có 3 làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đặc trưng như: Mỳ Chũ, rượu Kiên Thành, mật ong, phấn hoa, gạo nếp… là những điều kiện thuận lợi để huyện phát triển kinh tế cũng như du lịch sinh thái cộng đồng.
Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của Bắc Giang |
Mỳ gạo được sản xuất tại nhiều nơi, nhưng sản phẩm mỳ Chũ Lục Ngạn đã xây dựng được thương hiệu và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Người làm mỳ lâu năm kể lại, ngày xa xưa, để có được sợi mỳ mỏng manh và dẻo dai như lá lúa, người nghệ nhân phải đổ rất nhiều mồ hôi công sức. Gạo bao thai hồng được trồng từ vùng đất đồi Lục Ngạn, hạt to, thơm ngát được đem về nhặt, đãi, vo sạch, cho vào lu ngâm sáu đến tám tiếng. Tiếp đến, gạo được xay ra thành bột bằng cối đá xanh để có được thứ bột deo dẻo, sanh sánh. Bột ấy được đem ra lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm.
Từ tờ mờ sáng, người nghệ nhân đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người chung tay chung sức, mỗi người thạo một khâu riêng, người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mì đều đặn… Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mì sóng đều, mượt và có hoa văn đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng là cả một nghệ thuật mà không phải người làm mì nào cũng thực hiện được.
Ngày nay đứng trước nhu cầu ngày một lớn của thị trường về các dòng sản phẩm chế biến có sự kết hợp đa dạng về hương vị, nguyên liệu, các hợp tác xã địa phương đã tìm tòi, nghiên cứu phối trộn các nguyên liệu, cùng với việc sử dụng máy móc để cho ra đời các sản phẩm chất lượng, chinh phục người tiêu dùng. Nhờ đó, những năm gần đây, được địa phương và các sở ban ngành quan tâm, sản phẩm đã tiêu thụ rất tốt và hiện đã được bảo hộ độc quyền về nhãn mác hàng hóa ở 5 nước Lào, Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan. Bên cạnh đó, sức tiêu dùng sản phẩm ở thị trường nội địa cũng rất tốt. Sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng châu Á mà EU cũng được ưa chuộng. Việc tiêu thụ tốt đã giúp sản phẩm tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động, từ nghề phụ đến nghề chính. Người dân địa phương có thể làm giàu chính đáng từ nghề làm mỳ.
Nâng cao giá trị cho sản phẩm mỳ chũ
Chia sẻ bí quyết để mỳ chũ Lục Ngạn được ưa chuộng cả trong và ngoài nước, ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ mỳ chũ Nam Thể (Bắc Giang), Chủ tịch Hội Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Bắc Giang chia sẻ, hiện ở Bắc Giang có rất nhiều nơi sản xuất mỳ gạo nhưng riêng mỳ chũ của Lục Ngạn lại có chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng. Điều khác biệt ở đây chính là mạch nguồn nước ngầm trong lành của vùng quê cùng với đôi bàn tay khéo léo và kinh nghiệm hơn 60 năm của một làng nghề truyền thống và cả những nguyên liệu đặc sản gạo quê của vùng núi Lục Ngạn đã tạo nên thương hiệu mỳ chũ hôm nay.
Bên cạnh đó, sản phẩm mỳ chũ Bắc Giang ngon và có hương vị đặc biệt do được làm thủ công, phơi khô bằng nắng gió. Hiện nay, để nâng cao sản lượng, HTX đã đầu tư máy sấy để sản phẩm khô nhanh hơn nhưng có những bước vẫn phải làm thủ công thì mới tạo ra hương vị đặc trưng cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, HTX rất chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng cách áp dụng công nghệ 4.0 giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sản phẩm cũng được gắn mã vạch, đóng gói cẩn thân và có tem truy xuất để người tiêu dùng biết được nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời nếu sản phẩm chưa đạt chất lượng cũng sẽ dễ dàng tìm ra nơi sản xuất. Nhờ đó, bà con có ý thức hơn trong bảo vệ chất lượng sản phẩm của đơn vị mình.
HTX sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm |
Bà Đào Thị Hương, Giám đốc HTX mỳ Trại Lâm chia sẻ thêm, trước đây, các sản phẩm làm ra của HTX chỉ tiêu thụ quanh huyện Lục Ngạn. Sau khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm xúc tiến thương mại, đưa đi trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ. Đến nay, sản phẩm HTX được nhiều khách hàng biết đến, thị trường tiêu thụ cũng mở rộng hơn, mỗi tháng cung cấp đều đặn từ 25-30 tấn mỳ các loại.
Hiện nay, HTX có hơn 10 dòng sản phẩm, với các dòng mỳ chính: mỳ chũ trắng truyền thống, mỳ ngũ sắc rau củ quả, mỳ gạo lứt huyết rồng và mỳ Chũ Green - là sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao. Ngoài các sản phẩm mỳ chũ, HTX vẫn tiếp tục nghiên cứu và sản xuất thêm bún khô, miến dong và mật ong.
Đáng chú ý, mỳ Chũ Green của HTX là dòng cao cấp, thân thiện với môi trường bởi nguyên liệu sản xuất từ 100% gạo Bao thai hồng trên đất núi Tân Sơn, Cấm Sơn, Kiên Thành… ở Lục Ngạn, Sơn Động và một số huyện của Lạng Sơn.
Được biết, năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho mỳ Chũ. Nhờ được đầu tư máy móc tráng liên hoàn, máy thái mỳ giúp nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, khép kín; nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng. Hiện nay, làng nghề mỳ Chũ có hơn 300 hộ sản xuất mỳ gạo (chiếm tới 85% số hộ trong làng). Trong đó, chủ yếu các hộ tham gia cùng các HTX trong chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên không lo đầu ra. Thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân làng nghề, nhiều hộ dân, HTX đã trở nên khá giả và quyết tâm gắn bó với nghề truyền thống của cha ông.