CôngThương - Từ quan ngại sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do lạm phát…
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP Hà Nội) nêu quan ngại: “Tính đến hết tháng 9/2011, chỉ số CPI đã là 16,63%. Việc tăng CPI rất cao này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Trong 3 tháng cuối năm Chính phủ cần phải điều hành hết sức quyết liệt mà hy vọng sẽ không có nhân tố đột biến mới nào nữa thì may ra chúng ta mới hoàn thành được mục tiêu CPI của năm nay”.
Đại biểu Hường lấy dẫn chứng cụ thể từ các cuộc tiếp xúc cử tri của bà tại nơi bà cư trú và ứng cử: “Thực sự người dân rất tâm tư, đặc biệt là những người nghèo, nông dân”. Về những khó khăn của doanh nghiệp, theo đại biểu Hường, do giá đầu vào của sản xuất công, nông, ngư nghiệp, ngoài các nguyên, nhiên liệu phải nhập khẩu và phụ thuộc vào giá cả trên thị trường thế giới, thì ở trong nước, giá điện, than, xăng dầu, nhân công tiếp tục biến động theo hướng tăng mạnh đã khiến nhiều doanh nghiệp đình đốn.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường
“Tôi được biết đến nay đã có khoảng gần 49 nghìn doanh nghiệp đã lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn và chỉ có khoảng 8 nghìn doanh nghiệp có thể trụ được. Đó là chưa tính đến các doanh nghiệp đã âm thầm rút khỏi thị trường mà không có thông báo, tuyên bố gì” – đại biểu Hường dẫn chứng và phân tích thêm, các doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến suy giảm về sản xuất nói chung và đặc biệt là hệ quả mất công ăn việc làm đối với người lao động.
Còn theo đại biểu Lê Đông Phong (TP Hồ Chí Minh) thì hiện đang có sự bất hợp lý là trong khi các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như vậy, thì thu ngân sách, nhất là thu nội địa năm nay lại rất cao. Mặc dù số thu ngân sách cao này sẽ giúp chúng ta giảm bội chi ngân sách, giảm áp lực nợ công, tuy nhiên số thu ngân sách nội địa tăng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp và người dân sẽ gặp khó khăn hơn, làm giảm tích lũy của doanh nghiệp và người dân, trong khi đó Báo cáo của Chính phủ lại nói rằng ,thu ngân sách nhà nước vượt so với cùng kỳ do tăng giá thế giới. Điều này mẫu thuẫn với thực tế và cần được phân tích, làm rõ thêm.
… đến các chính sách an sinh xã hội
Về các chính sách an sinh xã hội, dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương “Tổng kinh phí dành cho các chính sách an sinh xã hội đến hết tháng 9 là khoảng 60 nghìn tỷ đồng và dự kiến cả năm là khoảng 84 nghìn tỷ đồng” Tuy nhiên, từ góc độ đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP Hà Nội) lại thể hiện sự băn khoăn về chất lượng thực hiện các chính sách an sinh xã hội hơn là con số kinh phí. Bà Hường nói: “Số tiền chỉ phản ánh một phần thôi” và nêu cầu hỏi: “Số tiền đó được sử dụng như thế nào? Hiệu quả ra sao? Có đúng người, đúng việc và đúng lúc hay không, có thực sự đến được với người nghèo, người có nhu cầu thực tế hay không?”.
Theo Bà Hường, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, bà đã ghi nhận được nhiều ý kiến phản ánh: cũng đã có nơi này, nơi kia, sự hỗ trợ từ các chính sách an sinh xã hội không đúng đối tượng, gây hoài nghi về tính công bằng và minh bạch của thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Cũng liên quan đến các chính sách an sinh xã hội, song ở khía cạnh các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cho rằng, các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện còn mâu thuẫn, chồng chéo, kém hiệu quả.
Đại biểu Trịnh Thị Quốc Khánh
“Điển hình như trong 12 Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong giai đoạn 2006-2010, các chương trình như: vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo… có rất nhiều nội dung trùng lặp nhau, gây lãng phí nguồn lực” – bà Khánh nêu ví dụ và cho rằng, nguyên nhân chính là do chưa làm tốt công tác giám sát, bắt đầu từ việc giám sát quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phải tổ chức kiểm toán đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia kém hiệu quả, gây lãng phí ngân sách nhà nước, làm giảm hiệu quả thực của các chính sách an sinh xã hội.
Và các đề nghị
Ghi nhận của phóng viên tại các tổ thảo luận cho thấy, đối với những tháng còn lại của năm 2011, đa số các địa biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP Hà Nội) đề nghị, Chính phủ cần đặc biệt lưu ý đến việc xử lý mối quan hệ giữa tỷ giá và lãi suất ngân hàng. Bởi, dù lãi huy động đầu vào đã có xu hướng giảm và duy trì ở mức 14%, song lãi suất trên thị trường 2 (tức thị trường liên ngân hàng) có thời điểm tăng lên đến 30%. Thực tế này đặt ra câu hỏi đối với tính thanh khoản của các ngân hàng cần được xem xét lại.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến tăng trưởng tín dụng của năm 2011 để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Nếu năm 2010, tăng trưởng tín dụng khoảng trên 30% trong khi theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2011 con số này chỉ khoảng 12%. Điều này được hiểu là, nguồn tiền cho các doanh nghiệp vay đã được siết rất chặt sẽ khiến cho các doanh nghiệp “hụt hơi”.
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Mính) thì nêu kiến nghị cần tăng cường hiệu quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. “Hiệu quả tăng trưởng thể hiện ở 3 yếu tố đầu vào là vốn, lao động và năng suất tổng hợp. trong đó quan trọng nhất là năng suất lao động. Chúng ta đã chỉ ra được những yếu kém nhưng chưa có giải pháp cụ thể mà mới chỉ dừng lại ở lời kêu gọi, lời hiệu triệu” – đại biểu Nghĩa đề nghị Chính phủ phải có ngay những giải pháp cho vấn đề này để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo tăng trưởng sản xuất, an sinh xã hội.
Ngoài ra, các ý kiến của đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, trọng tâm là củng cố mạng lưới an sinh xã hội với 3 nội dung: an sinh về việc làm, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, lưu ý đến các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo bị tác động bởi việc tăng giá xăng, dầu, điện, than theo lộ trình.
Đi trực tiếp vào các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. “Làm thế nào để người nông dân được hưởng lợi trực tiếp nhiều hơn chứ không phải là các khâu trung gian hưởng lợi” – đại biểu An kiến nghị.