CôngThương - Trong báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2011 và kế hoạch năm 2012 trình Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội – đánh giá: “Việc quản lý nhà nước về giá thuốc, việc đấu thầu thuốc ở các bệnh viện công chưa phù hợp, thiếu thống nhất. Vì vậy, giá một số loại thuốc biệt dược, thuốc chuyên dụng tăng cao, gây khó khăn cho việc bình ổn giá thuốc”. Ủy ban nhận định, nguyên nhân là do Bộ Y tế chậm thực hiện cam kết.
Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong phiên giải trình của Bộ Y tế ngày 18/10, lãnh đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã cam kết sẽ sớm trình Chính phủ ban hành quy định về thay đổi cơ chế quản lý giá thuốc cũng như về đấu thầu thuốc tại các bệnh viện, nhưng đến nay, cam kết này vẫn chưa được thực hiện.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Thủy - Vĩnh Phúc Giá viện phí hiện nay lạc hậu, không phù hợp cho việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân. Đề nghị điều chỉnh mức viện phí phù hợp với điều kiện hiện nay và tăng mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, nâng mức hỗ trợ kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo để phù hợp với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. |
Về việc chậm ban hành quy định như đã cam kết trước Ủy ban Các vấn đề xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Sắp ban hành Thông tư về đấu thầu thuốc” và nhận định: “Đây là vấn đề rất khó, bởi nó liên quan đến quản lý giá của Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội”.
Lâu nay, Nghị định đấu thầu thuốc nằm chung với Nghị định đấu thầu về xây dựng và trang thiết bị. Thuốc là hàng hóa đặc biệt, việc sử dụng phụ thuộc vào bác sĩ, người bệnh không tự kê đơn được, cho nên phải có văn bản riêng. Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định đấu thầu thuốc và chuẩn bị xây dựng luật dược. “Chúng tôi đang cố gắng để trình nghị định này trong năm 2012” -Bộ trưởng tiết lộ.
Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp về quản lý giá thuốc. Chẳng hạn, ban hành Thông tư chỉ đạo các bệnh viện phải giữ giá thuốc bằng hoặc thấp hơn thị trường, niêm yết giá thuốc và giá khám chữa bệnh. Khống chế mức trần lợi nhuận ở mức 5 - 15%. Đặc biệt, Bộ cũng đã yêu cầu giám đốc các bệnh viện trực tiếp quản lý nhà thuốc, không được bán giá cao hơn bên ngoài. Các nhà thuốc bệnh viện phải do bệnh viện quản lý, không cho tư nhân thuê mặt bằng mở nhà thuốc trong bệnh viện.
Bộ Y tế cũng khuyến khích dùng thuốc nội, hạn chế sử dụng biệt dược đắt tiền. Mới đây, Bộ đã cho phép ứng dụng đơn thuốc điện tử để quản lý giá thuốc. Theo đó, tên bác sĩ, số lượng thuốc… sẽ được lưu trong đơn. Nếu bác sĩ kê đơn quá liều lượng quy định sẽ bị lưu lại, để báo cáo Hội đồng quản lý thầu và quản lý giá thuốc.
Giá thuốc đứng thứ 9 về tăng giá trong số 10 mặt hàng thiết yếu. Việc tăng giá thuốc không nằm ngoài quy luật tăng giá của thị trường. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề ra được một số giải pháp nhằm giảm bớt sức tăng của mặt hàng này. Tuy nhiên, về việc phát hiện, xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm, Bộ trưởng Y tế nói vẫn phải chờ nghị định, chờ thông tư hướng dẫn, mà “những văn bản này là do cả một tập thể xây dựng, có khi làm cả năm chưa được, bởi vướng cái nọ, cái kia”.