Phát triển dịch vụ logistics sẽ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu |
Hội thảo do Vụ Châu Á- Thái Bình Dương - Bộ Công Thương và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã tham dự sự kiện này.
Trong định hướng phát triển thị trường xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đưa ra những quan điểm cụ thể gồm: đẩy mạnh và đa dạng hóa thị trường; phù hợp với chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng trưởng bền vững, vừa mở rộng quy mô vừa nâng cao giá trị xuất khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu theo các thị trường Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Thị trường nói tiếng Trung, Châu Đại dương, Châu Âu, Hoa Kỳ và Canada, Mỹ Latinh, Châu Phi, Tây Á và Nam Á. Mục tiêu đến năm 2020 xuất khẩu đạt kim ngạch 300 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2015- 2020 là 10-12%/năm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hội thảo được tổ chức là hoạt động rất cần thiết và kịp thời để mang tới những thông tin cụ thể cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Lê Hải An, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á- Thái Bình Dương, thời gian qua, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với những hiệp định thương mại được ký kết, các bộ ngành còn thường xuyên trao đổi thông tin cấp Chính phủ, xử lý các rào cản thương mại và những vấn đề vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước. Đặc biệt, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được triển khai cùng sự hỗ trợ tích cực của hệ thống cơ quan đại diện tại nước ngoài tới những mặt hàng, thị trường xuất khẩu cụ thể.
Từ thực tế hiện nay, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp và địa phương muốn thúc đẩy xuất khẩu cần tận dụng các ưu đãi từ những FTA, trong đó đặc biệt chú ý tới việc hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho mỗi FTA. Ông Lê Hải An chia sẻ: Các doanh nghiệp phải đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của mình cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh. Mỗi địa phương cũng cần có những quy hoạch, định hướng, giúp doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất để phù hợp với môi trường kinh doanh đang biến đổi bởi các FTA.
Đối với hoạt động logistics tại Việt Nam, ông Bùi Hồng Minh- Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho hay,chúng ta đang thiếu một định hướng trung và dài hạn để phát triển ngành logistics. Cơ sở hạ tầng chậm phát triển, sự kết nối, phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics chưa đạt hiệu quả cao. Vì thế, Chính phủ đã có Quyết định về quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên cả nước với mô hình: trung tâm hạng 1, cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm hạng 2, cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế; trung tâm chuyên dụng. Kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics cũng sẽ được triển khai để hỗ trợ và thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu.