Chia sẻ với phóng viên Vuasanca về câu chuyện dư luận quan tâm về ngành điện những ngày gần đây, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho biết, tình trạng thiếu điện nhiều năm nay đã xảy ra. Điện là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, việc tiết giảm điện khiến người dân cảm thấy bức xúc.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp chia sẻ tại hành lang Quốc hội |
Tuy nhiên, trong thời điểm không đủ nguồn điện cung cấp, nên việc cắt điện là việc dĩ nhiên mà chúng ta phải chấp nhận. Hiện tại, tại một số hồ thủy điện, mực nước đang nằm ở mực nước chết, nên không có nguồn để phát điện được.
Điều này là trách nhiệm của ai? Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hay của ai? “Trước hết, tôi nghĩ cũng là nguyên nhân khách quan của “ông trời”. Ông trời không mưa làm sao có nước” - đại biểu Phạm Văn Hòa nói, đồng thời cho hay, Bộ Công Thương, EVN cũng đã đề ra những nhiệm vụ giải pháp cho vấn đề này. Song nếu nắng nóng kéo dài, không có mưa, thủy điện không hoạt động được sẽ còn phải thiếu điện.
Nhận định câu chuyện thiếu điện nghiêm trọng trong mùa hè này không phải là chuyện mới, đại biểu đoàn Đồng Tháp cảm thấy rất xót xa cho ngành điện, tại sao hoạt động này kéo dài nhiều năm nhưng chưa khắc phục được. “Khi để xảy ra tình trạng thiếu điện, không phải chỉ có trách nhiệm của Bộ Công Thương, mà còn một phần trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” - đại biểu nêu.
Ông Phạm Văn Hòa lý giải, một số doanh nghiệp điện cho biết, nhiều dự án điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hay những dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đang chờ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt dự án.
Bởi hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý toàn bộ vốn tất cả những công ty, doanh nghiệp có vốn của nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp, công ty có vốn của nhà nước muốn hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng mới, phát triển mới ở những loại hình mới, điển hình như EVN cũng phải chờ sự phê duyệt từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng Ủy ban lại chậm trễ trong hoạt động phê duyệt. Theo đó, họ có một phần trách nhiệm.
Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, những điều kiện về mặt pháp lý và một số vấn đề khác đã ảnh hưởng đến sự chậm trễ cho việc phát triển thêm nhiều mạng lưới điện. Đặc biệt, Quy hoạch Điện VIII sắp tới đây tổ chức thực hiện, nhưng nếu không có vốn, chờ quản lý và xây dựng chậm thì không phải chỉ hôm nay, ngày hôm qua mà sắp tới ngày mai, tình hình thiếu điện còn phải bức xúc hơn nữa.
Vì vậy, với trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cần tham mưu cho Chính phủ để chỉ đạo, điều hành hoạt động của EVN và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra, trách nhiệm Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải có giám sát, thẩm định, thẩm tra lại những dự án mà EVN đề xuất nhằm nhanh chóng đưa những dự án vào hoạt động để có nhiều điện năng trong hoạt động.
Đặc biệt, hiện nay, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời chưa hòa mạng được cần nhanh chóng hội đàm, làm việc với EVN, để có sự thống nhất về giá cả, nhằm đưa điện hòa lưới, giảm bớt gánh nặng cho ngành điện lực.
Theo vị đại biểu đoàn Đồng Tháp, Bộ Công Thương quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng đã thể hiện hết tinh thần trách nhiệm, cũng “đau đầu lắm”, tuy nhiên, người trực tiếp quản lý, điều hành, cung cấp điện cho người dân sinh hoạt đó là EVN.
Mặc dù vậy, cũng phải “cảm thông” cho EVN ở khía cạnh, EVN không chỉ chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, mà còn phải chịu sự cung cấp vốn, quản lý vốn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. EVN cũng không có quyền ban hành giá điện, họ chỉ đề xuất, Bộ Công Thương phải xin ý kiến Chính phủ có chấp nhận giá đó hay không.
“Muốn phát triển thêm lưới điện quốc gia, năng lượng sạch, thủy điện… cần thêm vốn, nhưng vốn thì Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý nên cần có sự phê duyệt và chấp thuận của Ủy ban mới phát triển được” - ông Hòa nhắc lại.