CôngThương - Thưa ông Mundell, ông được trao giải thưởng Nobel vì từng chỉ ra rằng, khi nào thì không gian tiền tệ phát huy được tác dụng. Nay liệu đồng euro có tồn tại được không?
- Có thể cứu được đồng euro, đồng tiền này có sức chống chịu lớn, thậm chí ngay khi Hy Lạp bị phá sản thì vẫn khó mà nói đồng euro về tổng thể sẽ gặp khó khăn.
- Vậy thưa ông, điều gì sẽ xảy ra đối với Irland, Tây ban nha và Italia khi không ai cho những nước này vay tiền nữa?
- Đấy, vấn đề là ở chỗ ấy. Những khó khăn của Italia làm cho vấn đề của đồng euro càng lớn hơn, một phần vì người ta chưa tin Italia đã thật sự triệt để tiết kiệm. Và bỗng dưng vấn đề đảo nợ của Hy Lạp cũng bị trục trặc, do chúng ta không thể kham nổi một sự phá sản của Italia. Với khoản nợ của Italia người ta có thể chi gấp 6 lần cho Hy Lạp!
- Vậy bây giờ phải làm gì, thưa ông?
- Thứ nhất, Nhà nước cần có tiền trong thời kỳ quá độ để không mất khả năng thanh toán. Thứ hai, các nước phải thích ứng ngân sách nhà nước với nhau, tiết kiệm tiền bạc và phải tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ của mình. Hy Lạp phải có cái để thế chấp...
- ... Thí dụ bằng cái gì?
"Chiến binh tiền tệ" Robert Mundell, 78 tuổi, người Canada nhận giải thưởng Nobel năm 1999 về “Luận thuyết về khu vực tiền tệ tối ưu”. Luận thuyết này chỉ ra khi nào thì một liên minh tiền tệ phát huy tác dụng tốt. Theo luận thuyết của Mundell thì đồng Euro không ở trong một khu vực tiền tệ tối ưu, nhưng ông là người ngay từ đầu đã cổ vũ mạnh mẽ cho đồng tiền chung này. |
- Hy Lạp rất có giá trị, thí dụ như hòn đảo Korfu chẳng hạn, người Đức chắc chắn sẽ thích thú. Và Hy Lạp phải tăng thuế hơn nữa.
- Liệu các giải pháp tiết kiệm và tăng thuế có làm cho nền kinh tế càng yếu kém hơn?
- Chỉ khi nào tiết kiệm không đúng chỗ. Ví như, tại các nước này, vấn đề lớn nhất là lương hưu chiếm phần lớn ngân sách nhà nước. Nhưng khi bàn về chuyện tiết kiệm, Chính phủ thường tiết kiệm ở đủ mọi khoản, trừ lương hưu là không ai bàn đến. Họ cắt xén cả chi phí dọn dẹp vệ sinh ở các đô thị hoặc cắt giảm chi phí giáo dục, tức là tiết kiệm ở những khâu không nên tiết kiệm. Từ đó dẫn đến sự phản đối của dân chúng. Còn Chính phủ lấy lý do: Chúng tôi không thể tiết kiệm hơn được nữa. Trong khi đó đáng ra người ta phải tiết kiệm ở các khâu đã đưa các nước lâm vào tình thế khủng hoảng.
- Các nước cũng tiết kiệm khoản lương chi trả cho công chức, viên chức...?
- Tôi không nói cái đó. Cái tôi quan tâm là lương hưu. Italia thực chi gần 80% của tiền lương thực chất là lương hưu, không có bất cứ nước nào chi trả cao đến như thế. Bây giờ Italia phải xây dựng một lộ trình để giảm dần mức lương hưu, giúp người dân được chuẩn bị trước cho tình huống này.
- Thưa ông, có phải giờ đây tất cả những nước sử dụng đồng euro cùng nhau gánh chịu khoản nợ dưới dạng cái gọi là Eurobonds (giấy ghi nợ bằng euro)?
- Không, những nước đang là con nợ sẽ làm hỏng loại trái phiếu này. Cuối cùng các nhà đầu tư sẽ đòi có thêm một hoặc hai điểm phần trăm lãi suất, cao hơn trái phiếu của Đức và đó sẽ là điều kinh khủng. Trừ phi có một cơ quan tài chính của châu Âu và cơ quan này buộc thực hiện kỷ luật ngân sách.
- Trường hợp Hoa Kỳ lại khác, cho dù vậy nước này không có những vấn về như các nước trong khu vực đồng euro?
- Đúng, vì Chính phủ liên bang không đảm nhận bảo lãnh cho từng tiểu bang. Năm 1792, Chính phủ Liên bang còn thực hiện điều này, sau cuộc chiến tranh dành độc lập hồi đó người ta cho rằng, chiến tranh là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nợ nần. Nay lập luận này hoàn toàn không thể chấp nhận được nữa.
- Theo ông, khu vực tiền tệ châu Âu không phải là khu vực có điều kiện tối ưu, vì người dân châu Âu thà chịu cảnh thất nghiệp còn hơn là phải đi ra nước khác làm ăn?
- Điều này không ảnh hưởng lắm. Giả thử lúc này lực lượng sản xuất ở Hy Lạp đều bỏ đất nước ra đi thì cũng chẳng có gì tốt đẹp. Điều khác quan trọng nhất giữa Hoa Kỳ và châu Âu là từng tiểu bang ở Hoa kỳ phải tự cân đối ngân sách. Trong những năm 40 của thế kỷ 19 đã có một loạt tiểu bang ở miền Trung Tây bị phá sản. Và Chính phủ đã hoàn toàn không làm gì để ngăn chặn tình trạng này.
- Khi các nền kinh tế còn có nhiều sự khác biệt thì liên minh tiền tệ sẽ là một trở ngại lớn?
- Tỷ giá trao đổi cố định không quyết định mà là tỷ giá trao đổi linh động: Hiện tỷ giá biến động quá lớn vì đầu cơ quá nhiều. Có những biến động dẫn đến khủng hoảng.
- Như thế nghĩa là sao?
- Một thời gian ngắn trước khi xảy ra vụ phá sản Lehman thì tỷ giá đồng USD tăng. Và một đồng tiền mạnh hơn bao giờ cũng tác động xấu đến nền kinh tế, góp phần làm giá nhà sụt giảm nhanh như vậy. Có thể sẽ là một bước đi đầu tiên nếu như tạo ra được một khu vực chung cho đồng euro và USD để các ngân hàng phát hành không thể vượt rào ra khỏi khu vực đó. Về lâu dài, nên kết nối đồng euro, USD và nhân dân tệ với nhau.