Ông John Laxon - Giám đốc khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông của Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) |
Ông John Laxon - Giám đốc khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông của Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) chia sẻ với PV Vuasanca xung quanh những vấn đề này.
Xin ông đánh giá sơ nét về quan hệ hợp tác phát tiển kinh tế xã hội và các hoạt động hỗ trợ phát triển nhất là trên lĩnh vực giáo dục của Việt Nam và New Zealand thời gian qua?
Quan hệ Việt Nam - New Zealand đã phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua. New Zealand xem Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. New Zealand cũng là một trong 11 nước vừa ký hiệp định TPP-11 với Việt Nam. New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 31 của Việt Nam, Việt Nam là đối tác lớn thứ 17 của New Zealand. New Zealand cũng dành cho Việt Nam vốn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm tập trung vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. New Zealand cam kết trong giai đoạn từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2018 sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản ODA trị giá 18,6 triệu USD.
Đến nay, lĩnh vực giáo dục đào tạo đang phát triển mạnh và là trụ cột của quan hệ song phương hiện nay giữa hai quốc gia, cụ thể qua việc ký kết hợp tác giữa hai nước, và nhất là trong việc khuyến khích sinh viên Việt Nam đến học tại New Zealand. Chính phủ New Zealand cũng đã đưa ra những chương trình học bổng, cho trình độ sau đại học, học bổng học tiếng Anh cho các cán bộ quản lý tại Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, vậy Việt Nam cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
Đây là thách thức không chỉ riêng với Việt Nam mà còn với tất cả các nền kinh tế cũng như tất cả nền giáo dục của các quốc gia trong việc chuẩn bị lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai.
Bởi lý do chúng ta đang chịu ảnh hưởng của 3 xu hướng lớn trên thế giới. Thứ nhất là toàn cầu hóa về lực lượng lao động. Khi hàng hóa và dịch vụ được luân chuyển tự do và theo nhiều hướng khác nhau trên toàn thế giới, đòi hỏi lực lượng lao động cũng phải có sự đáp ứng phù hợp. Thứ hai là xu hướng số hóa của nền kinh tế, đòi hỏi người lao động phải có những kĩ năng mới hoàn toàn để thích ứng xu hướng này. Cuối cùng là xu hướng tự động hóa. Khi nền kinh tế hiện nay đề cập rất nhiều đến trí tuệ nhân tạo, robot dẫn đến các nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi những kỹ năng khác biệt hơn so với trước đây.
Mới đây, theo chỉ số Chuẩn bị cho tương lai, New Zealand cũng đã được công nhận với những nỗ lực cho học sinh sinh viên (HSSV) chuẩn bị trước và có thể đón đầu được tương lai của thị trường lao động. Khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên trau dồi những kỹ năng mà không chỉ gói gọn trong môi trường trường học, mà là những kỹ năng có thể để học tập suốt đời, kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm. Đồng thời, những kỹ năng này có thể được chuyển từ người này sang người khác, từ môi trường làm việc này sang môi trường làm việc khác để thích hợp với thời đại công nghiệp 4.0.
Tất cả những kinh nghiệm này chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam thực hiện nhằm tạo ra môi trường đào tạo nguồn nhân lực đúng chuẩn quốc tế, phù hợp với xu hướng thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Những mục tiêu dài hạn mà Cơ quan Giáo dục New Zealand nói riêng và Chính phủ New Zealand nói chung có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thưa ông?
Hoạt động đầu tiên mà chúng tôi có thể kể đến trong những mục tiêu dài hạn trên là chia sẻ kinh nghiệm cũng như thế mạnh trong giáo dục của New Zealand đến với các nhà quản lý giáo dục, HSSV của Việt Nam thông qua các chương trình hội thảo, tư vấn phát triển giáo dục, đưa các chuyên gia giáo dục New Zealand chia sẻ kinh nghiệm với đối tác Việt Nam...
Với kinh nghiệm được chia sẻ từ phía New Zealand cũng sẽ giúp các HSSV Việt Nam tìm kiếm cơ hội học tập, tìm học bổng, định hướng nghề nghiệp cho phù hợp. Với dự án Columpus trước đây của New Zealand sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều học sinh quốc tế, trong đó có học sinh Việt Nam đến New Zealand để học tập và giao lưu. Mới đây, Trường đại học AUT (Auckland of University Technology) đã kỷ niệm 10 năm quan hệ hợp tác với Trường đại học Khoa học tự nhiên (trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Điều đó cho thấy, nếu giữa hai Chính phủ có sự hợp tác về mặt giáo dục sẽ tạo điều kiện cho sự kết nối giữa trường với trường cũng như sự kết nối giữa sinh viên với sinh viên.
New Zealand có ưu đãi gì dành riêng cho học sinh sinh viên Việt Nam muốn theo học tại New Zealand hay không, thưa ông?
New Zealand có rất nhiều sáng kiến và chương trình nhằm tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế theo học tại đây, bao gồm cả Việt Nam. Như đã trình bày về học bổng Chính phủ New Zealand cho trình độ sau đại học. Ngoài ra, chính sách gần đây của Chính phủ New Zealand về thị thực lao động cho sinh viên quốc tế. Đối với sinh viên học từ bậc cử nhân trở lên, các bạn sẽ được cấp visa lao động ba năm. Điều này có nghĩa là sinh viên được trao cơ hội ngay lập tức tăng tốc cho sự nghiệp của mình tại New Zealand ngay sau khi học xong. Điều này cũng cho thấy được cách Chính phủ New Zealand tạo điều kiện cho chính bản thân sinh viên có thể thử nghiệm chất lượng giáo dục mình đã đạt được ở tại New Zealand với cơ hội nghề nghiệp của mình ngay tại quốc gia này.
Ngoài ra, Chính phủ New Zealand cũng trao cơ hội cho sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam quyền làm thêm 20 giờ/tuần trong khi học hoặc 40 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Việc này giúp các bạn tích lũy kinh nghiệm cần thiết để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai của mình. Khi nhìn tổng thể về quyền làm việc trong khi học, có thể thấy Chính phủ New Zealand đã đưa ra chính sách rất tốt cho sinh viên quốc tế. Bên cạnh đó, New Zealand cũng là nước đầu tiên trên thế giới đưa vào bộ quy chế đặc biệt bảo trợ cho sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam. Bộ quy chế này đưa ra hướng dẫn đến các trường có nhận sinh viên quốc tế làm sao đảm bảo ngân sách cho các bạn tốt nhất.