Giờ đây, các công ty ở cả hai bờ Thái Bình Dương đang cố gắng phát triển những chiến lược để giảm thiểu rủi ro, cho dù đó là tích trữ nguồn cung hay xem xét việc chuyển đổi địa điểm các cơ sở sản xuất. Vào trung tuần tháng 9, chính quyền Tổng thống Trump thông báo đang xem xét áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với Tập đoàn quốc tế sản xuất bán dẫn (SMIC) - nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc. Đó là cuộc tấn công mới nhất của Washington khi thắt chặt các hạn chế đối với những công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, ngăn những giao dịch mua chip mà không có giấy phép đặc biệt.
Vấn đề này đã khiến SEMI - một nhóm đại diện ngành bán dẫn, đã gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross giải thích việc đưa SMIC vào danh sách đen có thể gây tổn hại đến ngành công nghệ Mỹ như thế nào và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét cẩn thận các tác động có hại trước mắt và lâu dài đối với ngành công nghiệp này, cũng như về kinh tế, an ninh quốc gia của Mỹ. Trong khi một số công ty Mỹ như Intel và Micron Technology vẫn sản xuất chip tại Mỹ, trọng tâm của ngành đã chuyển sang châu Á, nơi Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) chiếm hơn một nửa thị trường tổng thể cho hợp đồng sản xuất chip và thậm chí còn mạnh mẽ hơn khi giữ các chip tiên tiến nhất. Các công ty, bao gồm nhà sản xuất iPhone Apple, Qualcomm và Nvidia đều dựa vào TSMC và những công xưởng châu Á khác để sản xuất chip của họ. Chuyên gia cho rằng, việc tháo gỡ chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành công nghiệp liên kết này không khả thi, ít nhất trong tương lai gần. Linh kiện cho một con chip có thể di chuyển hơn 25.000 dặm trước khi hoàn thành và có thể vượt qua biên giới hơn 70 lần trước khi một sản phẩm cuối cùng được gửi đến khách hàng cuối cùng.
Các nguồn tin trong ngành bán dẫn cho biết, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là mang lại nhiều sản xuất ở Mỹ hơn, phát triển một hệ sinh thái công nghiệp mạnh mẽ, đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển (R&D), duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ về thiết kế sản phẩm tiên tiến. Việc sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho thấy, Washington nhận ra việc thúc đẩy sản xuất trong nước và R&D là chìa khóa cho an ninh quốc gia, khả năng cạnh tranh toàn cầu. Thị phần của Mỹ trong công suất sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã giảm một nửa xuống còn 12% trong 20 năm qua, dự báo sẽ giảm xuống 10% vào năm 2023. Bản sửa đổi là một phiên bản thỏa hiệp của hai dự luật có sự ủng hộ của lưỡng đảng. Đạo luật CHIPS cho Mỹ tạo ra khoản tín dụng thuế đầu tư 40% thiết bị bán dẫn, quỹ 10 tỷ USD để phù hợp với bất kỳ chương trình khuyến khích sản xuất chip nào ở cấp tiểu bang và 12 tỷ USD tài trợ cho R&D sẽ được phân bổ trong vòng 5 - 10 năm tới… Dự luật khác là Đạo luật đúc của Mỹ, cho phép Bộ Thương mại cung cấp 15 tỷ USD tài trợ cho các tiểu bang hỗ trợ xây dựng, mở rộng hoặc hiện đại hóa chế tạo, lắp ráp, thử nghiệm vi điện tử, đóng gói tiên tiến hoặc các cơ sở nghiên cứu và phát triển tiên tiến; đồng thời cũng sẽ cung cấp 5 tỷ USD đầu tư liên bang để thúc đẩy nghiên cứu chất bán dẫn tại Bộ Quốc phòng, Quỹ Khoa học Quốc gia, Bộ Năng lượng, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia. Dự luật cũng yêu cầu Văn phòng Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng phối hợp với cơ quan nghiên cứu liên bang, khu vực tư nhân phát triển kế hoạch hướng dẫn tài trợ cho việc cải tiến chất bán dẫn thế hệ tiếp theo.
Những ưu đãi này là then chốt khi xem xét các nhà máy sản xuất chip có thể tốn tới 15 tỷ USD để xây dựng, với phần lớn chi phí dưới dạng các công cụ đắt tiền. Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã chi hàng tỷ USD để thúc đẩy ngành sản xuất chip trong nước của họ và đưa ra những ưu đãi về thuế, tài chính để thu hút nhà sản xuất nước ngoài. Trong Kế hoạch "made in China 2025", Chính phủ Trung Quốc đã cam kết 120 tỷ USD hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn trong nước, với mục tiêu sản xuất 70% tổng số chip cần cho tiêu dùng trong nước. Theo báo cáo gần đây từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn hợp tác với Tập đoàn Tư vấn Boston, các ưu đãi liên bang trị giá 50 tỷ USD sẽ tạo ra 19 cơ sở sản xuất chất bán dẫn lớn, 70.000 việc làm được trả lương cao ở Mỹ trong 10 năm tới. Tăng cường sản xuất chip của Mỹ sẽ giúp đảm bảo Mỹ đổi mới thế giới bằng công nghệ chiến lược của tương lai - AI, 5G, điện toán lượng tử sẽ quyết định vị trí lãnh đạo kinh tế và quân sự toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.
Một số công ty đang nghiên cứu cách mở rộng hoạt động ở Mỹ. Vào tháng 5, Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan - nhà cung cấp lớn cho Apple và Huawei - tuyên bố đầu tư 12 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất thứ hai của Mỹ ở Arizona. Nhà máy sẽ tập trung sản xuất loại chip 5 nanomet, công nghệ bán dẫn mới nhất đang được sản xuất hiện nay. Việc xây dựng sẽ bắt đầu vào năm tới, dự kiến hoạt động vào năm 2024. Đối với Huawei, cuộc chiến thương mại đã gây ra nhiều thiệt hại. Công ty đã mua số chip trị giá 20,8 tỷ USD vào năm ngoái, đã tích trữ nguồn cung chip do các lệnh trừng phạt của Mỹ và chuyển dần thiết kế, sản xuất chip sang Trung Quốc đại lục. Vào tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành một quy tắc xuất khẩu sửa đổi để chặn các lô hàng bán dẫn cho Huawei, nhằm mục tiêu chiến lược đến việc mua lại chất bán dẫn của Huawei là sản phẩm trực tiếp của một số phần mềm và công nghệ của Mỹ. Quy tắc đó đã ngăn cản nhà sản xuất chất bán dẫn nước ngoài sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ trong hoạt động vận chuyển sản phẩm của họ cho Huawei, trừ khi họ xin được giấy phép lần đầu từ Mỹ. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, được cho là đã tạm dừng đơn đặt hàng cho đơn vị HiSilicon của Huawei vào tháng 5 theo quy định mới của Mỹ.
Các nhà quan sát trong ngành bán dẫn đang lo lắng về bất kỳ hoạt động bán lẻ nào từ Trung Quốc. Với những biện pháp trừng phạt như vậy ảnh hưởng đáng kể đến Huawei, có thể có sự trả đũa từ Trung Quốc. Apple, đối thủ cạnh tranh của Huawei trên thị trường điện thoại thông minh và Qualcomm là những mục tiêu tiềm năng.
Trong khi những nhà sản xuất lớn có đủ tiềm lực tài chính và kết nối ngành để vượt qua sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, thì nhiều nhà sản xuất công nghệ quy mô vừa và nhỏ ở Mỹ lại không được như vậy. Ví dụ như Social Mobile - công ty tư vấn và OEM có trụ sở tại Miami chuyên sản xuất thiết bị Android Enterprise cho các công ty nằm trong danh sách Fortune 500. Công ty cũng có hoạt động tại San Francisco, Hồng Kông và Thâm Quyến, Trung Quốc, bắt đầu chứng kiến sự gián đoạn từ những nhà cung cấp vào tháng 2 năm nay và tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Cơn địa chấn dường như đã làm rung chuyển trong ngành. Thời gian mua sắm chất bán dẫn lâu hơn và giá cũng tăng. Trong một số trường hợp, phải mất gấp đôi thời gian để lấy hàng. Một số nhà cung cấp chỉ cung cấp cho khách hàng chính. Điều đó đã buộc nhiều công ty phải tìm đến thị trường đen để mua chip. Các công ty có quy mô vừa và nhỏ đang bị ảnh hưởng bởi sự thiếu minh bạch, đo lường giá cả và thiếu sản phẩm. Để giải quyết cuộc khủng hoảng, Social Mobile đang yêu cầu khách hàng đặt hàng sớm do sự chậm trễ.