Thương hiệu nội địa chưa có “đất diễn”
Thị trường ô tô Trung Quốc chủ yếu là thị trường của các sản phẩm liên doanh giữa các nhà sản xuất ô tô trong nước và các hãng lớn trên thế giới. Các thương hiệu nội địa vẫn chưa có chỗ đứng như mong muốn. Hầu hết các công ty ô tô ở Trung Quốc có liên doanh với các nhà sản xuất châu Âu và Nhật Bản và một số liên doanh với Hàn Quốc và Mỹ.
Ô tô xuất khẩu được xếp tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc |
Hiện các công ty nước ngoài chiếm khoảng 60% doanh số bán hàng tại thị trường ô tô Trung Quốc, bao gồm cả các sản phẩm liên doanh. Khối lượng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 5% sản lượng trong nước, nhưng đã tăng từ khoảng 43.000 vào đầu năm 2015 lên khoảng 76.000 chiếc như hiện nay.
Với doanh số hàng năm là 30 triệu chiếc, thị trường ô tô của Trung Quốc hiện có quy mô lớn nhất thế giới, gần gấp đôi Hoa Kỳ và vẫn còn dư địa để phát triển. Tuy nhiên, mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu đã được cho là góp phần hỗ trợ cho sản xuất ô tô trong nước.
Chiến tranh thương mại và hai lựa chọn đối với ngành ô tô Trung Quốc
Mức thuế 25% có thể bị áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tương đương khoảng một nửa xuất khẩu của nước này sang Mỹ, trong khi chính phủ Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế tương tự đối với 110 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, chiếm 80% hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.
Nếu hai nước không thể giải quyết tranh chấp trong năm nay, rất có khả năng cuộc xung đột sẽ leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện. Trong bốn thập kỷ trước do thị trường vốn đóng cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng cao liên tục nhờ ít chịu tác động bởi khủng hoảng từ bên ngoài. Nhưng ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức khác nhau, như bong bóng nhà đất, nợ doanh nghiệp và nợ công của chính quyền địa phương do áp lực của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Sự leo thang của cuộc chiến thương mại chắc chắn sẽ làm suy yếu sự ổn định kinh tế và trong kịch bản tồi tệ nhất có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ngành ô tô - “quân bài vua” để mặc cả với Hoa Kỳ?
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng thị trường ô tô để mặc cả với phía Mỹ trong cuộc chiến thương mại này như sau: (1) cắt giảm thuế đối với ô tô Mỹ xuống 2,5%, mức hiện tại của Hoa Kỳ; (2) cho phép các nhà sản xuất ô tô Mỹ thành lập các nhà máy hoàn toàn thuộc sở hữu của họ; và (3) cấp cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ quyền cung cấp các khoản vay mua ô tô cho khách hàng Trung Quốc. Đổi ngược lại, họ sẽ có mức thuế thấp hơn cho các hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Đây có thể là một đề nghị hấp dẫn từ phía Trung Quốc cho phía Mỹ, bởi thị trường ô tô Trung Quốc không chỉ lớn nhất thế giới mà còn phù hợp cho các sản phẩm ô tô Mỹ. Người tiêu dùng Trung Quốc thích những chiếc xe với nội thất hiện đại, bao gồm cả những chiếc SUV cỡ lớn. Họ không quá quan tâm đến vấn đề môi trường như tại Nhật Bản và Đức. Ở một mức độ nhất định, mã lực và trọng lượng được xem là các tiêu chí ưu tiên.
… hay thay vì lựa chọn này, Trung Quốc thúc đẩy sản xuất nội địa để thay thế các sản phẩm nhập khẩu?
Từ trước tới nay, các hãng xe nội địa tập trung chủ yếu sản xuất những mẫu xe có động cơ nhỏ và được lợi nhiều nhất từ chính sách giảm thuế đối với dòng xe ô tô nhỏ. 96% sản xuất ô tô của Trung Quốc là xe động cơ xăng thông thường. Chỉ có khoảng 3% là xe hybrid hoặc xe điện thuần túy.
Những thay đổi trong chính sách trong lĩnh vực ô tô, cụ thể là về thuế quan và quyền sở hữu nước ngoài sẽ giúp sản xuất ô tô trong nước của Trung Quốc tăng mạnh. Các nhà sản xuất ô tô Mỹ, cũng là nhà sản xuất ô tô năng lượng mới, có thể xây dựng một dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc mà không bị hạn chế quyền sở hữu. Các nhà sản xuất ô tô khác của Mỹ cũng có thể chuyển dây chuyền sản xuất sang Trung Quốc nếu thuế quan tiếp tục vào năm 2022.
Trung Quốc muốn tạo ra sự bứt phá bằng một hướng đi mới, với dòng xe điện (EV). Từ năm 2016, ngành sản xuất ô tô điện đã được đưa vào 1 trong 10 lĩnh vực được Trung Quốc tập trung đầu tư để có thể cạnh tranh thế giới, nằm trong chiến lược “Made in China 2025”. Để nhanh chóng dẫn đầu, họ đang từng bước mua lại những nhà cung cấp trang thiết bị phụ tùng, phụ kiện nước ngoài. Ví dụ, hai tập đoàn lớn của Trung Quốc là Baidu và Tencent đang chạy đua cùng với Waymo của Alphabet, Uber Technologies và các nhà sản xuất ô tô lớn để phát triển xe tự lái. Chính phủ Trung Quốc cũng đặt kế hoạch triển khai được 30 triệu ô tô tự lái trong vòng một thập kỷ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô…
Việc mua lại các hãng xe quốc tế để tận dụng kỹ thuật có lợi hơn rất nhiều trong bối cảnh cần chạy đưa nước rút, một mặt giúp họ có được các công nghệ mới, mặt khác có nguồn cung các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ổn định và tiếp xúc với thị trường nước ngoài. Theo dự đoán của các chuyên gia, nhiều nhà sản xuất ô tô sẽ phải chuyển giao phần sản xuất các bộ phận, linh kiện, phụ tùng sang Trung Quốc nếu muốn tiếp tục kinh doanh tại thị trường này. Sau đó, các công ty nội địa Trung Quốc với công nghệ đầy đủ sẽ lắp ráp và bán lại cho những cửa hàng đại lý tại Mỹ hay nước khác.