Thực hiện chương trình NTM, Sở Công Thương Thái Bình đã lập Quy hoạch phát triển điện lực các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nhằm chuẩn xác lưới điện đến từng thôn, xã. Từ đó, xác định rõ quy mô, tiến độ cải tạo lưới điện trung thế để tiết kiệm vốn đầu tư và giảm tổn thất điện năng khu vực điện nông thôn.
Thái Bình sẽ tận dụng mọi nguồn vốn để hoàn thiện và nâng cấp lưới điện nông thôn |
Trên cơ sở quy hoạch đã xây dựng, Sở Công Thương đã phối hợp với ngành điện tiến hành các dự án đầu tư xây dựng hệ thống điện nông thôn. Tính đến hết năm 2018, đã có trên 1.489 tỷ đồng được đầu tư thực hiện các dự án điện trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, vốn đầu tư xây dựng, vốn sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên của ngành điện Thái Bình cũng đạt khoảng 130 tỷ đồng mỗi năm, bình quân mức đầu tư cho 1 xã đạt tiêu chí số 4 là khoảng 6 tỷ đồng.
Cùng với nguồn vốn đầu tư lớn, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh luôn không ngừng được phát triển và hoàn thiện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 trạm biến áp (TBA) 220KV, 42,2km đường dây 220KV, 8 TBA 110KV và 143 km đường dây 110KV được bố trí trên tất cả 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Hệ thống lưới điện này đã thực hiện tốt nhiệm vụ nhận điện từ lưới điện quốc gia truyền tải điện năng về cho tỉnh và liên thông với các tỉnh lân cận.
Lưới điện trung, hạ áp cũng đã phủ kín đến tận các thôn, xóm và hộ dân nông thôn. Toàn tỉnh có 18 TBA trung gian 35/10KV với tổng dung lượng 84.200kVA, 6.500km đường dây hạ thế và 571.605 chiếc công tơ…thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện trực tiếp cho các xã trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Thái Bình, phần lớn lưới điện phân phối của tỉnh được xây dựng trước năm 1995 vận hành ở 2 cấp 35kV và 10kV. Phần lưới điện thực hiện theo quy hoạch phát triển điện lực, xây dựng theo quy chuẩn 22kV chiếm tỷ trọng rất thấp. Việc chuyển đổi từ lưới 10kV thành lưới 22kV theo quy chuẩn cũng rất khó khăn do đòi hỏi lượng vốn lớn để cải tạo và bổ sung nguồn cấp điện có đầu phân áp 22kV.
Nguồn vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh hiện chủ yếu là vốn vay dự án và một phần vốn đối ứng của tỉnh, việc huy động vốn đóng góp của nhân dân cũng hạn chế. Toàn tỉnh hiện có 84 xã có lưới điện nông thôn xây dựng theo dự án REII, số xã còn lại đang được đầu tư bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng tái thiết Đức, tuy nhiên số vốn rất ít, bình quân 2-3 tỷ đồng/xã. Trong khi đó, nhiều xã bán kính cấp điện lớn, đường điện phân nhánh chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến chất lượng điện năng chưa cao, hao tổn lớn.
Để nâng cấp chất lượng lưới điện nông thôn, duy trì ổn định tiêu chí số 4 trong xây dựng NTM đã đạt được tại các xã, Sở Công Thương Thái Bình đã xây dựng kế hoạch cho 2 năm 2019- 2020. Cụ thể, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống điện của các huyện, thành phố và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đến năm 2020 cho phù hợp với quy định hiện hành. Tuyên truyền, phổ biến các yêu cầu kỹ thuật của ngành điện cần thực hiện nhằm bảo đảm đạt tiêu chí số 4 trong xây dựng NTM.
Huy động các nguồn lực thực hiện đầu tư hệ thống lưới điện, trong đó vốn của ngành điện sẽ đầu tư hệ thống điện trung và hạ áp, vốn của các hộ gia đình được sử dụng để đầu tư các phụ tải sau công tơ.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đầu tư hệ thống điện theo kế hoạch, quy hoạch đã được duyệt, trong đó tập trung đầu tư cải tạo nâng cấp, mở rộng lưới điện hạ áp để bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Tính đến cuối năm 2018, 264/264 xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã hoàn thành tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. |