Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ngành da giày Việt Nam 2016 |
Nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 80%
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày, đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) của ngành này sẽ đạt mức trên 23 tỷ USD và đến năm 2025 đạt trên 35 tỷ USD. Cùng với việc gia tăng kim ngạch XK, tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày cũng sẽ được nâng lên từ mức 50- 55% hiện nay lên mức 75- 80% vào năm 2020.
Theo quy hoạch, ngành da giày sẽ xây dựng một số khu/cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu và xử lý môi trường tập trung nhằm giải quyết những khó khăn về xử lý môi trường cho ngành thuộc da. Đồng thời xây dựng một số cụm chuyên sản xuất nguyên vật liệu để kêu gọi các nhà đầu tư. Ngoài ra, ngành da giày cũng sẽ được xây mới và phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm thời trang ...
Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, từ năm 2016, khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… lộ trình đến năm 2018 sẽ thực hiện việc xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 17 - 45% về 0%, sẽ giúp ngành da giày tăng trưởng XK. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các DN, nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư vào ngành da giày Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, ngành da giày là một trong những ngành hàng XK mũi nhọn, nhiều năm liền duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 15 - 18%. Đáng chú ý, ngành da giày Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng cho các thương hiệu lớn như Adidas, Nike… và được đánh giá là có lợi thế hơn nhiều nước khác trong khu vực bởi lực lượng lao động trẻ (với 53% lao động tham gia vào sản xuất). Bên cạnh đó, việc Việt Nam tích cực tham gia hội nhập với thế giới khi ký hàng loạt hiệp định thương mại cũng là thuận lợi lớn cho DN khi đầu tư vào da giày tại Việt Nam.
Ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ
Mặc dù có nhiều cơ hội trước mắt, song nhiều ý kiến cho rằng, các DN ngành da giày vẫn đang phải chịu áp lực lớn khi phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Thống kê từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, hai tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK da giày đạt 1,88 tỷ USD (tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2015). XK nhiều nhưng số lượng nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng không ít, với kim ngạch nhập khẩu (tính đến hết tháng 2/2016) là 594 triệu USD. Hầu hết các nguyên liệu chính để sản xuất giày da đều phải nhập khẩu như da thuộc, giả da.
Thừa nhận thực tế này, ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho hay, đúng là ngành da giày đang tồn tại điểm yếu thiếu năng lực quản trị, nguồn lực chất lượng cao, năng suất lao động chỉ bằng 85% so với DN FDI. Đặc biệt, nguyên vật liệu đầu vào hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%, trong khi tham gia các hiệp định thương mại đòi hỏi phải đáp ứng trên 55%. Tuy nhiên, các DN trong nước khó đáp ứng yêu cầu này do khó tiếp cận các chuỗi cung ứng bởi sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế. Đây là de dọa lớn nhất cho ngành da giày khi hội nhập.
Liên quan đến nút thắt về công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ trong đó có ngành da giày với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực này.
Theo ông Tuấn, trong danh mục của Nghị định này, các sản phẩm da giày được ưu tiên phát triển gồm: da thuộc, vải giả da, mũ giày, đế giày, hóa chất, thuộc da, chỉ may giày, keo dán giày, đồ trang trí... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng yếu của đất nước trong đó có da giày. Tuy nhiên để nâng cao tính pháp lý của Nghị định, Bộ Công Thương đang xây dựng thành Luật để triển khai hiệu quả các chính sách vào cuộc sống.