Bao bì - bộ mặt của sản phẩm
Để sản phẩm của doanh nghiệp (DN) cạnh tranh được với các sản phẩm khác cùng loại đã có mặt trên thị trường, sản phẩm mới ngoài yếu tố chất lượng, sự hữu ích, tính năng vượt trội thì sản phẩm cần có sự khác biệt về mặt hình ảnh trên mỗi bao bì sản phẩm. Có thể nói, bao bì là một trong những công cụ chính giúp sản phẩm của doanh nghiệp (DN) nổi bật so với đối thủ và thu hút khách hàng cũng như trong việc xác định và chia sẻ nhận diện thương hiệu. Sản phẩm tốt, rẻ vẫn có thể không đến tay người tiêu dùng do thiết kế bao bì kém. Vì vậy, việc đầu tư vào in ấn bao bì là vô cùng cần thiết đối với các DN nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Sản xuất bao bì nhựa tại Công ty Liksin |
Theo Hiệp hội In Việt Nam, các DN in bao bì đang có mức tăng trưởng cao trên 20%. Thị trường in bao bì, nhất là bao bì chất lượng cao đang hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vì có những lợi thế riêng về thị trường, nguồn nhân lực cạnh tranh và môi trường đầu tư được cải thiện. Sản phẩm in ngày càng đa dạng về mẫu mã, chủng loại, kích thước, vật liệu. Ước tính doanh thu ngành in của Việt Nam bao gồm cả doanh thu in bao bì trên nhựa và in trên các vật liệu khác trên 5 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp in Việt Nam đang đứng trước cơ hội đạt mức tăng trưởng cao trong khu vực, bởi thị trường in của thế giới đang dịch chuyển về khu vực châu Á, các nước ASEAN. Trong đó, Việt Nam là lựa chọn rất tốt của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến đòi hỏi những sản phẩm phụ trợ liên quan đã thúc đẩy ngành in phát triển mạnh, nhất là mảng in bao bì, nhãn hàng. Việt Nam cũng đang có một nền kinh tế mở, là nước ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất trên thế giới. Đây là lợi thế ngành công nghiệp in Việt Nam cần nắm bắt hiện nay.
Cần đầu tư công nghệ
Xu hướng bao bì hiện nay đòi hỏi phải mỏng, nhẹ, thân thiện với môi trường, thiết kế và in ấn đẹp mắt, ấn tượng. Điều này đòi hỏi các DN hoạt động trong ngành phải không ngừng nghiên cứu, sáng tạo độc đáo và hiệu quả hơn. “Ngành công nghiệp in Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là khả năng tiếp cận thị trường quốc tế còn yếu, chất lượng sản phẩm mới ở mức trung bình. Đối với sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, không có nhiều DN Việt Nam đạt được, mà thị phần “béo bở” này lại rơi vào các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Nguyễn Văn Dòng nhận định.
DN ngành in cần chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ |
Từ góc độ DN, ông Nguyễn Thái Dũng - chuyên gia nghiên cứu và phát triển, đào tạo của Công ty Huynh Đệ Anh Khoa cho hay, trong bối cảnh hiện nay, ngành in sẽ phải hội nhập quốc tế, khách hàng không chỉ có trong nước mà còn là những tập đoàn nước ngoài và họ sẽ đặt hàng ở nhiều quốc gia khác nhau. Điều kiện tiên quyết đầu tiên chúng ta phải đạt được đó là quá trình sản xuất, quản lý DN cũng như chất lượng sản phẩm tạo ra phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, DN cần dành sự ưu tiên đầu tư về mặt con người và công nghệ.
Thực tế cho thấy, những DN bao bì chuyển hướng đầu tư chiều sâu, cải tiến quy trình, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đã khẳng định được thương hiệu và có khách hàng ổn định.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành công nghiệp in bao bì không phải là tìm khách hàng mà là đầu tư đổi mới công nghệ để cạnh tranh và bắt kịp nền sản xuất đang ngày càng phát triển. Theo đó, các công ty in cần tăng cường đầu tư công nghệ mới, đầu tư dây chuyền đồng bộ, áp dụng những chứng chỉ chất lượng được thừa nhận. Tuy nhiên, các DN trong nước cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính nhằm giúp đầu tư công nghệ hiện đại để theo kịp với xu hướng toàn cầu.
Thực tế cho thấy, những DN bao bì chuyển hướng đầu tư chiều sâu, cải tiến quy trình, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đã khẳng định được thương hiệu và có khách hàng ổn định. |