Ngày này năm xưa 15/9: Bàn giao Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 1 và 2 Ngày này năm xưa 16/9: Dự án Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 chính thức được khởi công |
Chuyên mục Ngày này năm xưa trên Vuasanca , giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/9.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Ảnh: Đào Trình |
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 17/9/1954: Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh sư đoàn Quân tiên phong làm Chủ tịch và Bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Ủy ban Quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố.
Hội đồng Chính phủ đã công bố chính sách đối với thành thị mới được giải phóng, đối với các tôn giáo, cán bộ và nhân viên khi vào công tác ở thành phố mới được giải phóng. Bộ Tổng tư lệnh quân đội đã ra lệnh cho các đơn vị đang tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật do Chính phủ đề ra, phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại. Sư đoàn Quân tiên phong được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản thủ đô Hà Nội.
Ngày 17/9/1996: Bộ Công nghiệp ban Quyết định số 2605/1996/QĐ-BC thành lập doanh nghiệp Nhà nước.
Ngày 17/9/1997: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 1567/1997/QĐ-BCN về việc đổi tên Xí nghiệp liên doanh Khai thác - Chế biến quặng sắt Nà Lũng - Cao Bằng thành Công ty Sắt Cao Bằng.
Ngày 17/9/2003: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 194/2003/QĐ-TTg về việc chuyển Công ty Chế biến và Kinh doanh than miền Bắc thành Công ty TNHH một thành viên Chế biến và Kinh doanh than miền Bắc.
Ngày 17/9/2004: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 95/2004/QĐ-BCN về việc thành lập lại Phân viện Máy và Dụng cụ công nghiệp trực thuộc Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp.
Ngày 17/9/2004: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 93/2004/QĐ-BCN về việc chuyển Công ty Nhựa Bạch Đằng thành Công ty cổ phần Nhựa Bạch Đằng.
Ngày 17/9/2008: Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 5073/QĐ-BCT về việc thành lập Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Lào Cai.
Ngày 17/9/2010: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1723/QĐ-TTg về việc bổ nhiệm Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Ngày 17/9/2011: Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.
Ngày 17/9/2012: Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Sự kiện quốc tế
Ngày 17/9/1862: Ngày sinh Nhà toán học Riman. Riman sinh ra trong một làng nhỏ ở Đức và qua đời năm 1866, lúc ông mới 40 tuổi. Năng khiếu toán học của Riman bộc lộ từ lúc lên 6 tuổi. Cậu giải được tất cả các bài toán do cha cậu ra và còn tự đặt ra những bài toán khó để đố các anh em cậu. Năm 19 tuổi, Riman học đại học ở Gớttinhghen rồi chuyển sang học ở Béclin để được làm quen với những vấn đề mới mẻ của toán học. Năm 25 tuổi, Riman bảo vệ luận án tiến sĩ. Riman đã cùng với Côsi xây dựng được một lý thuyết chính xác về tích phân. Năm 34 tuổi, Riman được mời tham gia Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Tên của Riman được đặt cho một miệng núi lửa trên mặt trăng.
Ngày 17/9/1787: Văn bản Hiến pháp Hoa Kỳ được hoàn thành tại Hội nghị Hiến pháp ở Philadelphia.
Ngày 17/9/1809: Hiệp định Fredrikshamn kết thúc chiến tranh giữa Thụy Điển và Nga, Phần Lan tách khỏi Thụy Điển để trở thành một đại công quốc thuộc Nga.
Ngày 17/9/1976: Enterprise, tàu con thoi đầu tiên được sản xuất cho NASA, được lăn ra khỏi nhà máy của hãng Rockwell tại Palmdale, California, Hoa Kỳ.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 17/9/1946: Trên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé lại thành phố cảng Mácxây, thăm hai trại “lính thợ” tại Môngtêlima (Montelimar) và Magácki (Magarqui). Trước 3.000 người lao động Việt Nam, Bác nói: “...Thay mặt Chính phủ và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do toàn dân bầu cử, tôi khuyên kiều bào là công việc chính trị để cho những người chuyên môn giải quyết, kiều bào hãy cố gắng chăm lo học lấy một cái nghề tinh xảo để góp vào việc kiến thiết quốc gia. Đất nước chúng ta cần đến những người con có nghề nghiệp tinh xảo”.
Ngày 17/9/1965: Bác viết bài “Thật là vẻ vang” đăng trên Báo Nhân Dân, sau khi nhắc lại một số dư luận thế giới ca ngợi sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, Bác điểm thêm một bằng chứng: “Cụ Rutxen, một vị bác học người Anh nổi tiếng, ngoài 90 tuổi, đã viết: “Việt Nam đã trở nên một tượng trưng của sự chống cự lại một chế độ bóc lột thế giới... Nhân dân Việt Nam đang tiến hành một cuộc đấu tranh thật đặc biệt: một nước công nghiệp mạnh nhất trên quả đất (là đế quốc Mỹ) trút hết lực lượng của nó nhằm xâm chiếm một nước nhỏ nông dân, mà nước nông dân này đang giành được thắng lợi với những vũ khí thô sơ và với một quyết tâm tất thắng” và kết luận bài báo: “Chúng ta tự hào và cố gắng để xứng đáng với sự ủng hộ và lòng kính phục của hàng triệu bầu bạn ta khắp năm châu. Chúng ta quyết thừa kế và phát triển lịch sử vẻ vang của tổ tiên ta mấy nghìn năm về trước và nêu gương dân tộc anh hùng cho con cháu ta muôn vàn đời về sau. Dù phải hy sinh, gian khổ mấy, chúng ta cũng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để giành lại độc lập thật sự và hoà bình lâu dài”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, tập II, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)