Ngày này năm xưa 1/1: Hiệp định RCEP có hiệu lực; ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh Ngày này năm xưa 2/1: Thành lập Cục Hoá chất, khánh thành Nhà máy xi mǎng Bỉm Sơn |
Sự kiện trong nước
Ngày 3/1/1765: Ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Nguyên quán của ông ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng ông sinh ra ở Thăng Long, trong một gia đình quý tộc, nhiều đời làm quan và có nhiều người sáng tác văn học.
Trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du, chữ Hán cũng như chữ Nôm, đều chan chứa một tình yêu thương bao la đối với con người. Trong đó, Truyện Kiều là đỉnh cao của nền thi ca Việt Nam, chứa đựng những tư tưởng nhân văn lớn, đạt tới sự hoàn mỹ về nghệ thuật ngôn từ.
Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu của văn học Việt Nam trung đại, có đóng góp to lớn đối với văn học dân tộc về nhiều phương diện nội dung và nghệ thuật, xứng đáng được gọi là Đại thi hào dân tộc. Năm 1965, ông được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hoá thế giới. Ông mất ngày 16/9/1820.
Ngày 3/1/1977: Ngày thành lập Học viện Quốc phòng. Trải qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, với vai trò của một học viện cấp quốc gia về quân sự, quốc phòng, an ninh, Học viện Quốc phòng luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng quân đội, về đối ngoại và đối ngoại quốc phòng, nắm chắc các chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ của quân đội để triển khai, cụ thể hóa vào công tác giáo dục, đào tạo.
Ngày 3/1/1981: Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định thống nhất tên gọi các đơn vị hành chính cơ sở ở nội thành, nội thị, của các thành phố thuộc tỉnh, thị xã và quận gọi là phường. Phường có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân phường. Phường trở thành đơn vị hành chính cơ sở ngang xã, thị trấn.
Ngày 3/1/1996: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 12/1996/QĐ-BCN hợp nhất Tạp chí Công nghiệp nặng và Tạp chí Công nghiệp nhẹ thành Tạp chí Công nghiệp.
Ngày này năm xưa, Bộ Công Thương ban hành Thông tư về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi. |
Ngày 1/2/2000: Bộ Công nghiệp ban hành Chỉ thị về việc tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước trong ngành Công nghiệp.
Ngày 3/1/2002: Chỉnh phủ ban hành Nghị định số 02/2002/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.
Ngày 3/1/2006: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020".
Ngày 3/1/2007: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 01/2007/QĐ-BCN về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công nghiệp ban hành hết hiệu lực pháp luật.
Ngày 3/1/2008: Ngày 17/9/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg về việc lấy ngày 3/1 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam. Đây là dịp để toàn xã hội cùng nhìn nhận, nâng cao nhận thức trong việc “Bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ”. Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt trong thời gian qua. Hiện nay, 4 trung tâm lưu trữ quốc gia trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã thu thập và bảo quản gần 30km giá tài liệu lưu trữ, được viết bằng các ngôn ngữ: Hán, Nôm, Pháp, Việt trên giấy, mộc bản, phim, ảnh, băng ghi âm.
Ngày 3/1/2008: Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 01/2008/QĐ-BCT về việc ban hành Quy chế xuất khẩu xăng dầu và Quy chế kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu.
Ngày 3/1/2010: Tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), kết thúc Lễ hội Hoa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhân dịp này, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công bố và xác lập kỷ lục cho 3 tác phẩm hoa độc đáo là: Chiếc áo dài bằng hoa dài nhất Việt Nam; Tác phẩm mô phỏng Chiếu dời đô bằng gỗ khảm trai lớn nhất và Bình hoa sen làm bằng mây tre lớn nhất.
Ngày 3/1/2013: Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 01/2013/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2011/TT-BCT ngày 21/3/2011 của Bộ Công Thương quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi.
Ngày 3/1/2014: Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.
Sự kiện quốc tế
Ngày 3/1/1959: Alaska được nhận làm tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ.
Ngày 3/1/1966: Tại thủ đô La Habana (Cuba) đã tiến hành Hội nghị ba châu thành lập tổ chức quốc tế mang tên Tổ chức đoàn kết nhân dân Á, Phi, Mỹ Latinh. Thủ đô LaHabana được chọn làm trụ sở của Tổ chức.
Tổ chức có chung mục đích là hoà bình thế giới, công bằng, hợp tác, loại trừ chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chủ nghĩa Apácthai phân biệt chủng tộc, chống lại tất cả các hình thức ngoại xâm, can thiệp, gây áp lực chính trị hoặc kinh tế.
Ngày 3/1/1976: Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR) bắt đầu có hiệu lực. Công ước ICESCR là một phần của Bộ luật Nhân quyền quốc tế (bao gồm hai công ước này và Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền).
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 3/1/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Hội đồng Chính phủ bàn những công việc cấp bách và kết luận: “Chính phủ đã phải đối phó với hai sự khó khăn, trong Nam: họa ngoại xâm; ngoài Bắc: nạn đói. Nhờ sự ủng hộ của quốc dân, công việc đã có kết quả khả quan”.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thông đạt yêu cầu các ông Bộ trưởng chỉ thị cho nhân viên các Sở phải giữ gìn tất cả các công văn, tài liệu và cấm không được hủy những công văn, tài liệu ấy nếu không có lệnh trên cho phép.
Ngày 3/1/1947: Chính phủ của nước Việt Nam độc lập đã phải di chuyển lên Việt Bắc, Hà Nội đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Vào thời điểm ấy, Marius Moutet là người Bác từng quen biết trong Đảng Xã hội Pháp, lúc này lại là Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại đang có mặt tại Hà Nội.
Hy vọng tranh thủ được ông Moutet, Bác Hồ viết một lá thư, trong đó có đoạn: “Tôi lấy làm vui mừng được biết ngài tới Hà Nội. Xin có lời chào mừng ngài, vì ngài vừa là bạn cũ, vừa là đại diện cho nước Pháp mới, vừa là sứ giả của hòa bình.
Tôi rất mong và rất sung sướng được hội kiến với ngài lâu một chút để tỏ rõ ý muốn thành thực hòa bình và cộng tác của chúng tôi, và để chuyển đệ với ngài những đề nghị của chúng tôi về việc lập lại sự giao hảo giữa hai nước chúng ta”.
Ngày 3/1/1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết đăng trên báo Nhân Dân, số 671 với tiêu đề “Cần phát động phong trào đào mương chống hạn”, lấy bút danh C.B.
Trong bài viết, sau khi nêu một số biện pháp chống hạn như đào giếng, đào mương, gánh nước..., và cho rằng đó là những cách chống hạn tốt nhất, Người nhắc nhở “các nông hội, chính quyền và chi bộ xã cần phải giải thích, động viên, tổ chức và khuyến khích nông dân thi đua đào giếng, đào mương lấy nước chống hạn. Cán bộ huyện và tỉnh cần phải đôn đốc đào giếng”.
Người khẳng định: “Quyết tâm thì nhất định làm được”.