Có hai hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên ra mắt công chúng tại trưng bày “Ngày Độc lập 2/9” nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020) tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (25 Tông Đản, Hà Nội) Đó là hai cuốn sổ tay công tác của Người, một cuốn có lẽ là danh bạ điện thoại, còn cuốn kia ghi các chương trình công tác. Trang thứ nhất của cuốn số này có ghi dòng chữ “Tháng 9.45” và dưới đó được thêm “từ 2-9-45 đến 17.10.45”.
Hai trang sổ tay công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Các con số bên trái cho ta biết ngày của tháng 9 năm 1945, còn những dòng chữ bên phải ghi nội dung công việc. Trong trang đầu của cuốn sổ tay, ta có thể thấy ngày 1/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ghi nội dung gì. Nhưng sang đến ngày 2/9/1945 dòng đầu có ghi: “13 giờ: Đi dự Mít tinh”. Cũng trong ngày 2/9/1945, vào buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ có buổi họp đại biểu các tỉnh.
Buổi “Mít tinh” vào lúc 13 giờ như được ghi, đó chính là lễ ra mắt quốc dân đồng bào của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng tại buổi lễ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập, chính thức tuyên cáo với toàn thể quốc dân Việt Nam và thế giới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trang nhất báo Đông Phát- tờ báo gần như duy nhất lưu lại được đến ngày nay có các chi tiết về ngày lễ Độc lập 2/9/1945 |
Dăm ba chữ viết tay nghiêng, mảnh mai nhưng rõ ràng về một trong những sự kiện vĩ đại nhất của lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc không khỏi làm cho người xem ngỡ ngàng sau đúng 75 năm Ngày Quốc khánh 2/9. Buổi mít tinh vào 13 giờ ngày 2/9/1945 là một buổi tập hợp quần chúng cả nước đông đảo chưa từng có mà trên 50 vạn người dân Hà Nội và một số tỉnh lân cận sẽ thay mặt Nhân dân cả nước chào đón Người và Chính phủ lâm thời để cùng khẳng định quyền tự do độc lập của nước Việt Nam mới, sánh bước cùng thời đại.
Toàn cảnh sự kiện mít tinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trong sổ tay của Người có thể thấy trên trang nhất của tờ báo Đông Phát, ấn hành đúng ngày 2/9/1945. Đến nay có thể nói đây là tờ báo duy nhất bằng tiếng Việt ghi đầy đủ nội dung, chương trình buổi lễ, địa điểm, và cả cách tổ chức hướng dẫn người dân tham gia trực tiếp vào sự kiện một cách có trật tự.
Ở phần chương trình chính thức ta có thể đọc được nội dung: “Giờ họp ở vườn hoa Ba-đình: Các đoàn thể cần đến họp ở vườn hoa Ba-đình trước 13 giờ để ban Trật-tự xếp chỗ”. Chi tiết này rất quan trọng, nó cho thấy sự chuyên nghiệp, chỉn chu trong công tác tổ chức và điều quan trọng nhất, đối chiếu với thời gian gian ghi trong sổ tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự trùng khớp về mốc thời gian 13 giờ đã cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời ngay từ ngày đầu ra mắt đã khẳng định và duy trì được mối liên lạc với quần chúng nhân dân, đặc biệt ở một sự kiện mít tinh quan trọng như ngày 2/9/1945. Đó thực sự là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ và bình đẳng giữa Chính phủ lâm thời với quốc dân đồng bào ở buổi bình minh của nước Việt Nam mới.