Kiểm tra trên thị trường cho thấy, về mặt hàng bánh kẹo với những mặt hàng có bao bì, nhãn mác đầy đủ và của các thương hiệu uy tín thì không đáng lo ngại. Nhưng với những mặt hàng bán theo cân, hoặc mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài về, người dân cần phải cẩn trọng khi mua bởi đây là mặt hàng dễ làm giả, làm nhái nhất. Hàng nhập khẩu thì phải có tem trên đó ghi rõ đầy đủ nước sản xuất, đơn vị được phép phân phối.
Để chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, kinh doanh trái phép trong dịp Tết, từ đầu tháng 11/2014, Chi cục QLTT đã chỉ đạo các đội đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Ngoài phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phát hiện đối tượng vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu tiến hành kiểm tra các kho tàng, bến bãi, các khu vực chợ đầu mối; kiểm tra chống gian lận trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ để vận chuyển, mua bán hàng hóa, tập trung chính vào các mặt hàng như rượu, bia, nước giải khát, sữa, bánh mứt kẹo, dầu thực vật, tinh bột, lương thực, thực phẩm tươi sống. Kết quả cho thấy, chỉ riêng trong tháng 1/2015, Chi cục QLTT đã kiểm tra được 807 vụ, xử lý 590 vụ, với tổng giá trị xử phạt ước tính gần 700.000.000 đồng.
Theo ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Nghệ An, đáng lo ngại nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng nhãn mác không rõ ràng, không có nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là với các mặt hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, với những mặt hàng tươi sống như giò chả, thức ăn chế biến sẵn cũng khó quản lý, nhất là việc sử dụng các chất phụ gia. Nhiều mặt hàng không có bao bì, tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm. Hiện ngoài đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh, các địa phương cũng đã thành lập 21 đoàn kiểm tra để thanh kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ.