Theo phòng nông nghiệp xã Quang Thành (huyện Yên Thành), toàn xã hiện có hơn 1.800 hộ dân, thì trên 80% số hộ đã lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Trong 3 năm gần đây, người dân đầu tư đào được gần 60 cái giếng khoan. Giếng phải khoan sâu từ 50- 70m mới có nước, chi phí 20 triệu đồng/giếng.
Do thiếu nước sinh hoạt nên người dân phải sử dụng nước rất tiết kiệm |
Hơn 2 tháng nay, phần lớn nguồn nước phục vụ ăn uống của cả xã đều phụ thuộc vào đó, giếng đào và giếng khoan nhỏ đều đã cạn, hồ đập khô kiệt. “Chúng tôi đã họp bàn nhiều lần nhưng hiện tại cũng chưa tìm ra phương cách nào ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân khoan giếng, sử dụng tiết kiệm và chia sẻ nguồn nước cho nhau”, ông Nguyễn Đình Đồng - cán bộ nông nghiệp xã Quang Thành (huyện Yên Thành) - cho biết.
Gia đình bà Thái Thị Hiền - xóm Hồng Nam (huyện Yên Thành) đã đầu tư gần 7 triệu đồng để nạo vét giếng khơi, khoan tìm nguồn nước ngầm nhưng tất cả đều không có kết quả. “Giếng không có nước, phải thuê người đào sâu thêm giếng nhưng cứng quá không đào được, tôi lại thuê thợ về định khoan giếng mới, nhưng mới khoan được một mũi thì thợ dừng lại vì không có nước” - bà Hiền chán nản. Toàn bộ sinh hoạt của gia đình 5 người gần 3 tháng nay hoàn toàn từ những bình nước đi xin hàng xóm hoặc đi mua.
Tổng hợp từ Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Nghệ An cho thấy, nếu ngày 14/7, cả tỉnh mới chỉ có 4.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt thì đến cuối tháng 7 đã tăng lên trên 17.000 hộ, ở 60 xã tập trung nhiều ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Thanh Chương, Tân Kỳ, Yên Thành, Diễn Châu…. “Nếu nắng nóng gay gắt vẫn tiếp tục kéo dài, thì số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt sẽ còn tăng cao theo cấp số nhân, vì hiện tại, nguồn nước trong các ao hồ, nước nguồn đều nhanh chóng cạn kiệt” - ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Nghệ An - lo ngại.
"Ngoài các giải pháp tạm thời được đưa ra như tu bổ công trình cấp nước, khoan giếng, chở nước giúp dân…, tỉnh Nghệ An cũng đã phối hợp với Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê điều tiết liên hồ chứa theo quy trình vận hành hồ chứa của Chính phủ để điều tiết, cấp nước cho hạ du nhằm đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh cho nhân dân", ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết. Tuy nhiên, với diễn biến ngày càng khó lường của thời tiết, về lâu dài, Nghệ An phải rà soát lại để có những kế hoạch căn cơ hơn nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt.
Với tổng số hồ chứa là 1.061 hồ thủy lợi, 19 hồ thủy điện, Nghệ An là vùng có tiềm năng về nguồn nước. Thế nhưng lượng nước tập trung vào mùa mưa lũ, tổng lượng dòng chảy trên lưu vực sông Cả vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 7 chỉ chiếm 25-30% tổng lượng cả năm, bằng 5,6 - 6,0 tỷ m3/năm, trong khi về mùa lũ từ tháng 8 đến tháng 11 từ 16 - 17,5 tỷ m3/năm - chiếm 70 - 75%, nên tình trạng thiếu nước ở Nghệ An vẫn diễn ra hàng năm. |