Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc của xe máy ở nước ta vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 30% trong tổng số hơn 61 triệu xe; trong khi tỷ lệ tham gia của ôtô lên đến 90% trong tổng số trên 3 triệu xe. Số liệu nghiên cứu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới năm 2020 cũng cho thấy, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến nhóm xe máy chiếm khoảng 70% tổng số vụ TNGT mỗi năm, nhưng tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới chỉ đạt 6%.
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc của xe máy vẫn ở mức thấp |
Lý giải về nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng, do sự hiểu biết về pháp luật khi tham gia giao thông của người dân còn mơ hồ, khiến hầu như các tình huống va chạm đều xuất hiện lỗi hỗn hợp, nên thường có xu hướng tự giải quyết mà không báo cơ quan chức năng. Chưa kể, với mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự ở mức thấp,chỉ có mấy chục nghìn đồng/năm, mức bồi thường thiệt hại thường cũng không đáng kể, khiến đa phần người đi mô tô, xe gắn máy tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự chỉ vì một thứ giấy tờ cần phải có.
Cùng với đó, công tác phối hợp, chia sẻ dữ liệu của các cơ quan có liên quan trong việc xác nhận các vụ va chạm tai nạn giao thông và thực hiện các quy trình đền bù đối với nạn nhân thời gian qua vẫn còn phức tạp và tốn thời gian. Theo ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), để tạo điều kiện thuận lợi chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm, Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 1/3/2021 đã đơn giản hóa đáng kể các quy định "làm khó" người dân khi làm thủ tục bồi thường.
Cụ thể, Điều 15 Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp (DN) bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với bên mua bảo hiểm và các bên liên có liên quan để thu thập 1 bộ hồ sơ bồi thường bảo hiểm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bao gồm tài liệu liên quan đến xe, người lái xe; tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản.
Tán thành về những đổi mới trong thủ tục bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới, theo các chuyên gia, việc cắt giảm các loại hồ sơ, giấy tờ phải thu thập theo hồ sơ bồi thường có tác động tích cực về mặt kinh tế, giảm chi phí liên quan đến giải quyết bồi thường đối với cả bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và DN bảo hiểm. Về mặt xã hội, việc cắt giảm một số thủ tục, đặc biệt là chuyển trách nhiệm thu thập hồ sơ bồi thường cho DN bảo hiểm sẽ tác động tích cực tới xã hội, cũng như nâng cao nhận thức về ý nghĩa của loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe cơ giới, tăng hiệu quả triển khai của DN.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để cải thiện tỷ lệ bồi thường bảo hiểm, cải cách thủ tục hành chính là chưa đủ, mà cần cải thiện quy định pháp luật theo hướng chặt chẽ hơn, vừa nâng cao sự khoa học, vừa phù hợp với các phương án tổ chức giao thông. Theo đó, tập trung cải thiện sự rành mạch trong các tình huống giao thông, để khi cơ quan chức năng vào cuộc, khi bảo hiểm làm việc, có thể dễ dàng phân định đúng sai, mức độ lỗi của mỗi bên, từ đó có căn cứ xác định mức bồi thường…
Theo thống kê, giai đoạn 2008-2019, các DN bảo hiểm đã giải quyết được 593.658 vụ TNGT, trong đó bồi thường cho 70.421 trường hợp tử vong. Tổng số tiền bồi thường khoảng 5.300 tỷ đồng, trong đó bồi thường về người khoảng 2.950 tỷ đồng, về tài sản khoảng 2.350 tỷ đồng. |