Điểm tựa trên hành trình hoàn lương
Sau gần 7 năm chấp hành án phạt tù tại Trại giam số 5, Bộ Công an đóng trên địa bàn huyện Yên Định (Thanh Hóa), tháng 4/2019, anh Nguyễn Văn Toàn ở xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) trở về đoàn tụ với gia đình. Anh Toàn cho biết: “Những ngày đầu trở về tôi luôn mang trong mình những mặc cảm, tự ti. Thậm chí, tôi không dám đi ra ngoài, sợ mọi người bàn tán, xa lánh người vừa ra tù. Những đêm thức trắng nghĩ về tương lai của mình và gia đình cùng với quyết tâm hoàn lương từ những ngày ở trại giam và sự động viên của gia đình, nhất là người vợ luôn bên cạnh, đã giúp tôi xóa bỏ mặc cảm, quyết tâm làm lại cuộc đời”.
Loay hoay với bài toán làm gì để có thể phát triển kinh tế, anh tìm hiểu thông tin và nhận thấy mô hình phát triển kinh tế trang trại gia đình phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Sau đó, anh bàn với vợ vay mượn để đầu tư, phát triển trại lợn sữa ngay tại nhà mình.
Tuy nhiên, “hành trình hoàn lương” với anh Toàn dường như xa hơn khi ý tưởng phát triển trại lợn sữa của gia đình phải cần đến một khoản vốn kha khá, trong khi điều kiện của gia đình anh thời điểm đó không thể vay mượn được. Đang lo lắng vì chưa tìm được hướng giải quyết thì cuối năm 2023, Công an huyện Thọ Xuân phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tiến hành rà soát, thẩm định và quyết định cho anh Nguyễn Văn Toàn vay số tiền 100 triệu đồng để đầu tư, phát triển trại lợn.
Số tiền vốn 100 triệu đồng như chiếc “cọc”, điểm tựa khởi hành chặng đường hoàn lương, phát triển kinh tế của anh Toàn với gia đình. Đồng thời, nhân thêm quyết tâm, động lực cho anh cùng gia đình xây dựng một cuộc sống hạnh phúc mới hạnh phúc, đủ đầy.
“Số tiền được vay có ý nghĩa quan trọng đối với gia đình chúng tôi. Chúng tôi đã sử dụng nguồn vốn đó để đầu tư xây dựng chuồng trại, phục vụ tốt hơn cho việc chăn nuôi lợn của gia đình. Sau khi trang trại hình thành, chúng tôi tập trung mở rộng kiến thức về quy trình chăn nuôi lợn, tìm kiếm thị trường… để bảo đảm nguồn vốn đầu tư của mình phát huy hiệu quả. Hiện nay, đàn lợn giống gần 30 con, gia đình đã bán 17 con và thu về trên 90 triệu đồng. Sai lầm trong quá khứ của tôi không thể xoá được, nhưng tôi nhìn vào đó để răn mình và phấn đấu cho chặng đường phía trước. Dẫu còn nhiều vất vả, nhưng sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình, tổ chức, đoàn thể đã giúp tôi lạc quan hơn, tin tưởng và quyết tâm phấn đấu trong cuộc sống” - anh Toàn tâm sự.
Thượng tá Lê Bá Chân - Phó Trưởng Công an huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) - cho biết, Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg (Quyết định số 22) của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, ngoài tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện, Công an huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chính quyền các địa phương rà soát, bình xét những đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, giúp họ có vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.
Qua nắm bắt, các hộ gia đình sau khi được tiếp cận vốn đều sử dụng đúng mục đích và bước đầu đem lại hiệu quả thu nhập. Thực hiện chương trình tín dụng chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22, đến nay huyện Thọ Xuân đã có 43 trường hợp được tiếp cận vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, với số tiền giải ngân 4,140 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, không chỉ giúp những người đã từng lầm lỗi nhanh chóng xóa bỏ mặc cảm, tự ti mà còn giúp họ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, làm lại cuộc đời.
Tín dụng chính sách giúp 5,5 nghìn lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm. Ảnh: Đông Dư |
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 10 tháng cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22, chi nhánh đã giải ngân cho 356 người vay với số tiền 32 tỷ đồng.
Sẵn sàng nguồn vốn
Ông Dương Quyết Thắng Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - cho biết, phàm là con người, ai cũng có ước mơ về cuộc sống ổn định và một mái ấm bình yên. Đặc biệt với những người đã trải qua lầm lỗi và sự trừng phạt của pháp luật, khao khát trở lại cuộc sống bình thường của một công dân, được lao động và kiếm sống một cách lương thiện, được chăm sóc gia đình và cống hiến cho xã hội lại càng cháy bỏng.
Song, hành trình “hồi sinh về mặt xã hội” của họ không dễ dàng. Bởi chuỗi ngày dài cách ly khỏi đời sống xã hội bình thường khiến họ sẽ gặp khó khăn, lúng túng cả về suy nghĩ, nhận thức lẫn về cách hành xử trong các quan hệ khi trở lại với xã hội.
Bên cạnh đó, là việc đối mặt với định kiến xã hội, thiếu vốn và định hướng nghề nghiệp khiến cơ hội tìm kiếm việc làm để có thể sống một cách chân chính bằng sức lao động, bằng năng lực của chính bản thân mình không hề đơn giản. Thực chứng cho thấy định kiến cùng thiếu sinh kế khiến nhiều người ra tù rồi lại vào vì “nhàn cư vi bất thiện”.
Quyết định số 22 là chính sách mới và nhân văn nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đối tượng được vay vốn ưu đãi này từ Ngân hàng Chính sách xã hội là người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
“Với thông điệp “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, cả hệ thống chính trị và Ngân hàng Chính sách xã hội luôn sẵn sàng triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi nói chung, chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng, trên tinh thần cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”; tiến hành công khai chính sách đến các Điểm giao dịch xã, để “mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên” tuyên truyền chính sách đến cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, người dân trên địa bàn” - ông Dương Quyết Thắng nhấn mạnh; đồng thời cho biết thêm, sau gần 1 năm triển khai Quyết định số 22, tín dụng chính sách đã giúp 5,5 nghìn lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết, giai đoạn tới, để tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả chính sách này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tập trung xây dựng thể chế, chính sách, trong đó có việc xây dựng dự án Luật Việc làm sửa đổi. Bộ mong muốn phối hợp với Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng một khung chính sách đầy đủ cho người mãn hạn tù để đảm bảo họ thực sự ổn định cuộc sống và tham gia vào thị trường lao động.
Tuy nhiên, để chính sách triển khai hiệu quả, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an địa phương cần phối hợp xây dựng kế hoạch tạo việc làm, giải ngân nguồn vốn; đặc biệt là bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người chấp hành xong án phạt tù hiểu rõ về chính sách; giới thiệu dịch vụ việc làm kết nối cấp tỉnh, cấp vùng và toàn quốc; tôn vinh những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã sử dụng người lao động là người mãn hạn tù, để khuyến khích các đơn vị thu nhận họ vào làm việc.