Hiện nay, thủy điện chiếm 35% tổng công suất điện của Việt Nam. Điều này giúp duy trì mức giá điện thấp cho người dân, song cũng là thách thức đối với việc cung cấp nguồn năng lượng ổn định vào cuối mùa khô khi mực nước tại các hồ chứa thuỷ điện đã cạn kiệt và không có mưa.
Trung bình trong vòng 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là trên 6%/năm, dẫn đến nhu cầu điện tăng nhanh đến 11%/năm khiến thách thức này càng lớn hơn. Vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa, nước ta gặp phải nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung điện ổn định.
Trong bối cảnh này, Nhà máy nhiệt điện Thăng Long - nhà máy điện độc lập (IPP) quy mô lớn đầu tiên do tư nhân triển khai tại Việt Nam với công suất 600 MW - đã được xây dựng. Nằm cách Hà Nội khoảng 113 km về phía Đông Bắc, nhà máy sử dụng nguồn than nội địa để tạo ra nguồn điện đáp ứng đủ nhu cầu của 3,4 triệu hộ gia đình.
Hiện tại, nhà máy đang hoạt động hiệu quả và có độ tin cậy cao với hai lò hơi tầng sôi tuần hoàn (circulating fluidized bed boilers - CFB) có công suất 300 MW của GE Steam Power.
Theo bà Nguyễn My Lan - Giám đốc Thương mại của GE Steam Power tại Việt Nam: “Độ tin cậy và hiệu suất của lò hơi được đánh giá cao trong năm đầu hoạt động. Nhờ đi vào vận hành thương mại sớm hơn dự kiến và hiệu suất lò hơi đạt được cao hơn cam kết cùng với tính sẵn sàng vượt trội, công nghệ của GE đang giúp nhà máy nhiệt điện Thăng Long hoạt động hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn”.
Hai tổ máy có thể đi vào hoạt động sớm đồng nghĩa với việc sớm mang lại doanh thu cho chủ đầu tư nhà máy là Công ty Cổ phần nhiệt điện Thăng Long thuộc Tập đoàn Geleximco; giúp bổ sung 600 MW vào lưới điện quốc gia vào thời điểm lưới điện “khát” nhất là cuối mùa khô.
Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco - cho biết: “Nguồn cung điện đáng tin cậy là rất quan trọng đối với một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam hiện nay và với việc cải thiện đời sống hàng ngày của người dân. Là dự án nhà máy điện tư nhân lớn đầu tiên tại Việt Nam, Nhà máy nhiệt điện Thăng Long đang thể hiện giá trị mà hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân có thể mang lại cho ngành điện và góp phần đảm bảo cân bằng cung – cầu điện”.
Không dừng lại ở đây, hiệu suất lò hơi tổ máy số 1 đạt tỷ lệ giá trị nhiệt cao (HHV) là 90,248% và lò hơi tổ máy số 2 đạt mức 89,908%, cao hơn so với giá trị cam kết là 88,4%. Điều này giúp mang lại thêm hàng triệu đô la cho chủ đầu tư nhà máy. Với mỗi 1% hiệu suất được tăng lên ở mỗi lò hơi sẽ mang đến thêm 17 triệu đô la lợi nhuận ròng trong 25 năm cho chủ đầu tư. Như vậy, với hai lò hơi đạt mức hiệu suất vượt cam kết lần lượt là 1,8% và 1,5%, tổng lợi nhuận ròng tăng thêm sẽ là 55 triệu đô la.
Toàn cảnh Nhà máy nhiệt điện Thăng Long |
Công nghệ của GE còn góp phần mang lại lợi ích về môi trường khi công nghệ tầng sôi tuần hoàn (CFB) giúp làm giảm lượng khí thải nhà máy. Lò hơi CFB của GE giúp giảm lượng phát thải SO2 và NOx nhiều hơn so với mức tiêu chuẩn mà Geleximco đã cam kết và thấp hơn nhiều so với quy định của Việt Nam.
Nhà máy nhiệt điện Thăng Long đã chứng minh rằng nếu có công nghệ và đối tác phù hợp, các dự án nhiệt điện độc lập hoàn toàn có khả năng cung cấp nguồn điện đáng tin cậy và hiệu quả giúp đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam.