Gạch block không nung từ tro xỉ của Nhiệt điện Cao Ngạn được thị trường ưa chuộng |
Chủ động nghiên cứu, ứng dụng tro xỉ
Với nguồn tro xỉ phát thải trong quá trình sản xuất điện hàng năm lên tới 200 nghìn tấn/năm, nếu có giải pháp thích hợp, đây sẽ là nguồn nguyên liệu quan trọng trong sản xuất vật liệu xây dựng. Với quan điểm đó, chỉ một năm sau khi nhà máy vận hành (năm 2007) công ty đã ký hợp đồng nghiên cứu sử dụng tro xỉ với Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) của Bộ Xây dựng. Giữa năm 2009, đã thử nghiệm thành công sử dụng tro xỉ sản xuất gạch block không nung và vật liệu lớp base và subbase làm đường giao thông, vữa xây trộn sẵn. Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch và thành lập Công ty CP Vật liệu không nung ATK Thái Nguyên chuyên sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu từ năm 2011. Mặc dù ban đầu gặp phải nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, song đến nay, đơn vị này bắt đầu làm ăn có lãi với sản lượng bán ra từ đầu năm đến nay đạt trên 3 triệu viên gạch.
Bên cạnh việc sản xuất gạch không nung từ tro xỉ, với khoảng 120 nghìn tấn tro bay phát thải mỗi năm, Nhiệt điện Cao Ngạn đang phối hợp với Nhà máy Xi măng La Hiên thực hiện thử nghiệm sản xuất xi măng từ tro bay. Đến nay, đã tiêu thụ được khoảng 32 nghìn tấn tro bay là nguyên liệu phối trộn trong sản xuất xi măng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường, mang lại nguồn doanh thu đáng kể.
Cần sự hỗ trợ về khoa học, công nghệ
Dù đã đạt được những thành công bước đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng tro xỉ và tro bay trong sản xuất vật liệu xây dựng, song hiện lượng tro xỉ và tro bay tồn dư hàng năm vẫn rất cao, nhất là tro xỉ đáy lò do trong thành phần của xỉ chứa rất nhiều vôi, không thích hợp cho sản xuất xi măng cũng như sản xuất gạch xi măng cốt liệu.
Để giải quyết vấn đề này, Nhiệt điện Cao Ngạn đang nỗ lực tìm giải pháp sử dụng triệt để nguồn tro phát thải còn tồn dư. Cụ thể, đơn vị đã mời một số nhà thầu cung cấp thiết bị của Đức, Mỹ sang nghiên cứu để hiệu chỉnh chế độ đốt than trong quá trình sản xuất điện nhằm giảm độ mất khi nung với mục tiêu đạt khoảng 16%.
Được biết, mỗi năm nhà máy tiêu thụ khoảng 500 nghìn tấn than, nếu như giảm độ mất khi nung xuống khoảng 1% thì tương đương tiết kiệm với 5.000 tấn than. So với giá than trên 1 triệu đồng/tấn, thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 5 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lượng tro xỉ phát thải sẽ giảm tương ứng.
Tuy nhiên, việc tìm ra phương án giảm lượng tro xỉ là rất khó, vì phụ thuộc vào 3 yếu tố, gồm: Chất lượng than đầu vào; chế độ vận hành và cung ứng điện theo điều độ điện quốc gia, nhưng nhà máy chỉ chủ động được 1 yếu tố là hiệu chỉnh thiết bị.
Như vậy, sau gần 10 năm tìm kiếm phương án tối ưu để giảm và sử dụng hết tro xỉ vào sản xuất vật liệu xây dựng, làm đường giao thông,… nhưng vẫn chưa có giải pháp tối ưu. Để giải quyết, cần có sự vào cuộc của các các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách trong nghiên cứu ứng dụng tro xỉ phát thải của các nhà máy nhiệt điện nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tận thu nguồn nguyên liệu trong sản xuất các sản phẩm sau nhiệt điện.
Với công suất 100 MW, sản lượng hàng năm 600 triệu kWh, mỗi năm, Nhiệt điện Cao Ngạn tiêu thụ khoảng 500 nghìn tấn than chất lượng thấp (khoảng 6b), chứa nhiều lưu huỳnh và phát sinh khoảng 200 nghìn tấn tro xỉ/năm nên cần hỗ trợ để xử lý triệt để hơn. |