Nhiều doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền
Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn thờ ơ với các nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng cường an ninh mạng thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức về việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ.
2014 là một năm đầy biến động với ngành công nghệ thông tin - viễn thông Việt Nam với nhiều sự kiện và con số các website bị tấn công lên tới hàng nghìn do các các hacker nước ngoài hay các nhóm tội phạm có tổ chức gây ra, mức thiệt hại khổng lồ lên tới hàng tỷ đồng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao ý thức an ninh mạng cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng dường như chưa có nhiều doanh nghiệp thay đổi được thói quen cố hữu là sử dụng phần mềm không bản quyền.
Ông Đào Anh Tuấn - Trưởng đại diện của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA): “Các cơ quan Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp trong năm 2014, từ các cuộc kiểm tra, tổ chức hội thảo để tuyên truyền, cảnh báo, thậm chí cả xử phạt các doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền, nhằm nâng cao nhận thức về an ninh mạng, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Hy vọng rằng sẽ có nhiều biện pháp mạnh hơn trong năm 2015 để giảm thiểu tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm và củng cố an ninh mạng tại Việt Nam”. |
Theo Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam năm 2014 tăng nhẹ 1,5% so với năm trước lên mức 39%, tuy nhiên, vẫn thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc, một quốc gia trong khu vực châu Á, ở mức 62%. Chỉ số được tính dựa trên môi trường an toàn thông tin và kết quả khảo sát về tình hình an toàn thông tin quốc gia trên 745 tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam do VNISA tiến hành từ năm 2011 đến 2014.
Trong vấn đề tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), cài phần mềm độc hại và xâm nhập hệ thống là những hình thức phổ biến nhất. Các cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu của các tổ chức và cá nhân sẽ tiếp tục gia tăng, và hệ thống thông tin trọng yếu của quốc gia sẽ vẫn là mục tiêu hàng đầu.
Ngoài ra, Báo cáo an ninh của Microsoft cho thấy, Việt Nam là nước bị tấn công bằng mã độc đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trên một nửa số máy tính mới mua tại Việt Nam đã bị cài sẵn mã độc, trong khi 80% số máy tính tại quốc gia bị lây nhiễm các mã và phần mềm độc hại.
Nghiên cứu của Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam đã chỉ ra 45% doanh nghiệp đầu tư rất ít (dưới 5% ngân sách) vào các hoạt động công nghệ thông tin, trong khi các chuyên gia an ninh khuyến cáo một khoản đầu tư khoảng 10% ngân sách của doanh nghiệp là hợp lý. Chỉ có khoảng 16% các doanh nghiệp tham gia khảo sát, hầu hết là các ngân hàng và các tổ chức tài chính, đáp ứng con số các chuyên gia đưa ra khi đầu tư khoảng 10-15% ngân sách của họ cho CNTT.
An ninh mạng nổi lên là một vấn nạn đối với các cơ quan Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2014 với hàng ngàn cuộc tấn công vào các website tại Việt Nam gây ra mất mát một lượng dữ liệu lớn cho nhiều cơ quan nhà nước do bị cài phần mềm độc hại. Đối với các doanh nghiệp, rủi ro an ninh mạng có thể đe dọa đến tài chính, điều hành hệ thống, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.