Trong phóng sự bóc trần sự thật về những người vô gia cư được Đài truyền hình Việt Nam (VTV24) phát sóng tối qua 21/1, xuất hiện nhiều gương mặt thân quen.
Họ không phải các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện, cũng không phải lãnh đạo, cán bộ các cấp, ngành hay chính quyền địa phương tới hỏi thăm, động viên, tặng quà người có hoàn cảnh khó khăn.
Họ là những “diễn viên” trong vai người vô gia cư với những "đạo cụ" quen thuộc như trẻ em, tấm bảng ghi tên để “hành nghề” trên một số tuyến phố Hà Nội nhằm lừa gạt tình thương của nhà hảo tâm, giành giật sự giúp đỡ được gửi tới những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn.
Họ bịa đặt ra những câu chuyện, những hoàn cảnh rất thương tâm và thuộc làu làu như một bài văn mẫu khi có nhà hảo tâm tới hỏi thăm, tặng quà. Có trường hợp còn giả bệnh, giả tật nguyền để đánh vào lòng trắc ẩn.
Phóng viên Vuasanca trao đổi với những người giả danh vô gia cư trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh chụp dịp Tết Nguyên đán năm 2022. |
Những người này, không có bất cứ trường hợp nào thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước. Đối chiếu với dữ liệu dân cư, cơ quan chức năng TP. Hà Nội xác định họ đều có nhà, có gia đình tại Hà Nội. Thậm chí, một số trường hợp còn có nhà ở những phố lớn.
Thực tế phóng sự Đài truyền hình Việt Nam phát sóng cũng cho thấy, họ đi xe máy – những chiếc xe tay ga đắt tiền để đi “ăn mày”. Số lượng xe của những đối tượng giả danh người vô gia cư nhiều đến mức, không biết giấu đi đâu, phải để chật kín cả vỉa hè.
Đêm đến, họ lại ai về nhà nấy với những túi quà nặng trĩu, trả lại Thủ đô những vỉa hè vắng vẻ không một bóng người vô gia cư.
Công an khu vực và chính quyền địa phương tất nhiên cũng chẳng lạ gì những đối tượng này, bởi họ thường xuyên bị đưa về phường để lập biên bản, ký cam kết không tái phạm và bàn giao cho địa phương quản lý.
Nhưng do thu nhập quá cao nên chỉ được một vài ngày, những gương mặt thân quen ấy lại tiếp tục “hành nghề” bất chấp đạo đức và pháp luật.
Thực tế này không chỉ Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác cũng xuất hiện những đối tượng giả danh người vô gia cư để lừa gạt tình thương, nhằm trục lợi cá nhân đã được báo đài phản ánh rất nhiều trong những năm qua.
Qua phóng sự của VTV có thể thấy, cái đói, cái nghèo hoàn toàn không hề "bủa vây" để "những kẻ giả danh vô gia cư" phải "cố cùng liều thân", ra đường kiếm sống. Việc làm của những kẻ này đang bán rẻ chính sự tự trọng cuối cùng còn sót lại của mỗi con người để đổi lấy những tình thương của biết bao con người. Việc làm của những kẻ này còn thể hiện sự ích kỷ, thiếu lương tri, cố ý lừa gạt những người làm thiện nguyện với niềm tin rằng họ đang đóng góp cải thiện cuộc sống của những người kém may mắn.
Lợi dụng tình thương, ỷ lại sự thương hại, giành giật hi vọng le lói để được sống, được tồn tại của những người khác còn làm cản trở sự phát triển của một xã hội với tinh thần luôn "nhường cơm sẻ áo", sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau. Nó còn bào mòn niềm tin vào sự tử tế trong cộng đồng, mờ đi kết quả, nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc việc chăm sóc cho người có hoàn cảnh khó khăn, làm suy giảm giá trị và ý nghĩa của những hoạt động thiện nguyện, cướp đi cơ hội của những người cần sự giúp đỡ.
Những hành vi của các đối tượng này phải được xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không thể chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở hay viết cam kết, hoặc xử lý hành chính.
Bởi cam kết hay nhắc nhở, thậm chí liên tục được "bế" lên tivi, họ hàng, làng xóm, cả nước biết và lên án, họ vẫn sẽ cứ mặt dày đi lừa gạt tình thương, giành giật sự giúp đỡ với những người có hoàn cảnh khó khăn một cách rất tàn nhẫn như vậy!