Sợi vải kết nối các thế hệ
“Trong đời sống, sinh hoạt thường ngày của đồng bào Thái ở Hoa Tiến, Quỳ Châu không thể thiếu các sản phẩm thổ cẩm tryền thống”, Sầm Thị Tình (SN 1987)- cô gái Thái trẻ tuổi đang làm nhiệm vụ phụ trách mảng kinh doanh và marketing tại Hợp tác xã (HTX) làng nghề Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An nói với chúng tôi.
Sầm Thị Tình cho hay, mẹ chị là nghệ nhân Sầm Thị Bích, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thổ cẩm Hoa Tiến. Từ năm 2016 bà Bích đã có giấy chứng nhận danh hiệu thợ giỏi; năm 2018 nhận giấy chứng nhận danh hiệu nghệ nhân; năm 2019 HTX làng nghề Thổ cẩm Hoa Tiến có 3 sản phẩm gồm, khăn, chân váy, khăn trải bàn đạt chuẩn 4 sao OCOP của tỉnh Nghệ An.
Du khách nước ngoài thích thú khi tham quan, du lịch tại bản Hoa Tiến, Châu Tiến, Quỳ Châu |
“Ở đâu có người Thái là ở đó có khung cửi dệt thổ cẩm”- Sầm Thị Tình vui cười nói với chúng tôi. Bản Hoa Tiến là trung tâm của Mường Chiềng Ngam, tức là mường đẹp của Phủ Quỳ Châu xưa. Nơi đây 100% hộ gia đình thuộc dân tộc Thái, đồng bào chủ yếu làm nông, ngày ngày sản xuất lúa nước, chăn nuôi và thêu thùa.
Các cô gái Thái đều được mẹ truyền cho nghề dệt vải. Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, thêu thùa vốn là các công việc mà họ đều hết sức thuần thục như một bảo chứng cho sự trưởng thành. Họ thường tự tay làm những chiếc váy, bộ chăn, đệm, những chiếc khăn piêu… phục vụ bản thân và gia đình.
Từ những khung dệt thổ cẩm thô sơ làm bằng những thanh tre, ống nứa..., người phụ nữ Thái đã dệt nên những tấm thổ cẩm thích hợp để trang trí cho từng loại sản phẩm. Vì thổ cẩm được dệt hoàn toàn bằng tay nên độ chặt lỏng, mềm cứng của sản phẩm đều được họ điều chỉnh một cách tinh tế.
Hiện thổ cẩm Hoa Tiến được đan, dệt thành những sản phẩm đa dạng có thiết kế hiện đại, phù hợp với nhu cầu thị trường như: Giày dép, áo dài, ví cầm tay, thú bông… |
Nghề dệt thổ cẩm cứ thế được truyền qua các đời người phụ nữ Thái hơn 100 năm nay. Những đứa bé gái nơi đây sinh ra lớn lên một chút đã biết theo mẹ đi hái lá rừng về nhuộm vải. Sầm Thị Tình kể, nguyên liệu và sợi bông được người dân sản xuất tại địa phương bằng việc tự trồng bông, trồng dâu nuôi tằm. Sau khi kéo thành sợi, dệt thành vải rồi từ đó tạo hoa văn riêng từ họa tiết cây hoa, hay con thú con vật gắn liền cuộc sống thường nhật hay làm theo yêu cầu sở thích của khách hàng. Ngoài việc tạo hoa văn, vải thổ cẩm của Hoa Tiến được nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên, được thu hái trong vườn hoặc từ cây rừng, như bùn non, cây cỏ mực, vỏ cây pháng đỏ, nghệ, lá mục vôi, lá hom, lá mượt, lá bang, cắm phông, gỗ mít… đã nâng giá trị hàng dệt Quỳ Châu lên thành loại hàng thời trang cao cấp.
Qua lời của Sầm Thị Tình, chúng tôi đã tìm đến Hoa Tiến, tìm gặp nghệ nhân Sầm Thị Bích (SN1966) - Chủ nhiệm HTX làng nghề Hoa Tiến. Bà cho biết, mình đã biết ươm tơ, dệt vải, nhuộm vải từ cây rừng từ khi mới lên 9 lên 10. “Trước đây bản làng nghèo lắm, chỉ biết dệt vải may quần, may áo, làm các vật dụng trong nhà như chăn, gối… giờ cuộc sống đổi thay rồi, hiện đại nhiều rồi, nhưng mình vẫn cố cùng con cái giữ gìn bản sắc của người Thái”, bà Bích cười vui.
Thoát nghèo từ nghề truyền thống
Theo lời bà Sầm Thị Bích, từ năm 1992 khi Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tiến hành khảo sát tại Hoa Tiến để tìm hiểu nét hoa văn thổ cẩm truyền thống của người Thái. Từ đó, mãi đến 3 năm sau, bà Bích cùng một số nghệ nhân, thợ dệt trong vùng đã chính thức thành lập HTX làng Nghề Hoa Tiến. Chỉ một thời gian ngắn, sản phẩm dệt Hoa Tiến đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.
Để được gắn sao OCOP là cả một hành trình dài, đầy thăng trầm của dệt thổ cẩm Hoa Tiến |
Từ những hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, thị trường không ổn định, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ dân đã liên kết, hỗ trợ nhau để sản xuất. Để mở rộng thị trường, các thành viên HTX đã tự mày mò, tìm tòi và sáng tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng: túi xách kiểu dáng hiện đại, ví cầm tay, giày, dép, thú bông, vỏ gối, khăn quàng cổ, khăn trải bàn… Bên cạnh việc gìn giữ, cách sản xuất thổ cẩm theo phương pháp tự nhiên, các nghệ nhân trong HTX còn nghiên cứu, thử nghiệm những hoa văn tinh xảo, sắc màu đa dạng.
Chị Sầm Thị Tình chia sẻ: “Để tồn tại và phát triển, để các thành viên HTX sống được bằng nghề thì việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ là yếu tố tiên quyết. Do đó, một mặt thay đổi tư duy sản xuất, làm ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, thiết kế hiện đại; mặt khác, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử vào tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm thổ cẩm của HTX được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Ngoài ra, chúng tôi còn kết nối với các cửa hàng, bảo tàng, các nhà thiết kế trong nước và quốc tế... để tạo thêm nhiều đơn hàng thổ cẩm, tăng thu nhập cho các thành viên. Năm nay, do ảnh hưởng dịch nên các đơn hàng bị giảm đến trên 60%, chỉ duy trì được ở một số khách hàng quen, bởi chi phí cước vận chuyển còn cao hơn cả sản phẩm nên khách hàng cũng đắn đo rất nhiều…”.
Hiện nay, ngoài cơ sở chính của HTX thổ cẩm Hoa Tiến ở Châu Tiến (Quỳ Châu), còn có một cửa hiệu dệt thêu và nhuộm màu tự nhiên tại Hà Nội nhằm quảng bá sâu rộng nghề thổ cẩm truyền thống địa phương. Nhờ đó, sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến không chỉ được người tiêu dùng, các nhà thiết kế trong nước biết đến, tin dùng, có mặt ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hội An, Huế, Sa Pa mà còn chinh phục được thị trường các nước Lào, Thái, Đức, Pháp, Australia, Canada, Nhật… với doanh thu khá ổn định, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động làng nghề.
Ông Lô Văn Thế - Trưởng phòng Kinh tế-hạ tầng huyện Quỳ Châu cho biết, việc hướng tới mục đích sản xuất hàng lưu niệm từ thổ cẩm, tạo ra thu nhập cho người phụ nữ Thái ở đây bằng chính nghề truyền thống của bà con là cái đích địa phương hướng tới. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm vẫn cần nhiều thời gian để hoàn thiện về mẫu mã, chất lượng...
Thời gian tới huyện đang xây dựng hệ thống thông tin về sản phẩm làng nghề. Từ đó, hướng tới HTX sẽ phát triển toàn diện theo nhóm sản phẩm; chú trọng bảo tồn giá trị truyền thống sản phẩm; xây dựng các dự án phát triển làng nghề; dự án phát triển các sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường, tăng cường năng lực quản lý làng nghề.
"Huyện cũng mong muốn có thêm kinh phí hỗ trợ HTX tham dự các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ. Từ đó tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, hỗ trợ kinh phí làm phòng trưng bày sản phẩm cho làng nghề. Hỗ trợ kinh phí làm nhà xưởng sản xuất, trang thiết bị như khung dệt, thoi, lược, máy khâu máy vắt sổ, máy tinh, máy in, thông qua các dự án…”, ông Thế thông tin thêm.
Nghệ An là một tỉnh có thế mạnh về phát triển các làng nghề, nhất là nghề thủ công. Hiện, toàn tỉnh có 172 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề với những sản phẩm đặc trưng, có giá trị xuất khẩu như mây tre đan, dệt thổ cẩm… Theo đánh giá của các chuyên gia, dư địa của các sản phẩm làng nghề đang rất rộng mở, nhất là khi công nghệ thông tin phát triển, các sàn thương mại điện tử bùng nổ đã tạo cơ hội cho các sản phẩm làng nghề mở rộng thị trường, đưa thương hiệu các sản phẩm làng nghề tiến xa hơn. |