Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. (Nguồn: Internet)
CôngThương - Lý do đó là bên cạnh những ưu tiên hàng đầu, vấn đề cấp bách mà vị tân Tổng giám đốc phải giải quyết vẫn là cuộc khủng hoảng tài chính dai dẳng tại châu Âu, với nguy cơ Hy Lạp mất khả năng thanh toán nợ ngay trong tháng Bảy nếu không được chi viện ngay lập tức.
Ngày 2/7, các bộ trưởng tài chính các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí sẽ tiếp viện thêm 8,7 tỷ euro cho Hy Lạp trong nửa đầu tháng Bảy này, tức là từ nay đến ngày 15.
Khoản tài trợ gần 9 tỷ euro vừa được chấp thuận này là phần đóng góp của châu Âu trong khoản cho vay thứ năm của gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro. Trong khi đó, IMF cũng thông báo có thể giải ngân phần đóng góp của mình là 3,3 tỷ euro.
Mặc dù đã cố gắng giới hạn chi tiêu, liên tục đưa ra những kế hoạch khắc khổ, bất chấp làn sóng phản đối dữ dội của dân chúng, Hy Lạp vẫn không đủ sức tự mình chi trả món nợ công lên đến 350 tỷ euro mà cần được tiếp sức từ bên ngoài. Sau lần tháo khoán trong tháng này, EU cũng như IMF sẽ phải đưa ra một kế hoạch tiếp theo trợ giúp thêm cho Athens trong thời gian tới.
Trong kế hoạch trợ giúp Hy Lạp, ngoài EU, IMF cũng đã đóng góp một vai trò đáng kể. Trong gói cứu trợ 110 tỷ euro được đưa ra vào tháng 5/2010 để cứu nguy Hy Lạp, IMF đã góp đến 30 tỷ euro, một khoản tiền lớn mà theo giới quan sát chưa bao giờ thiết chế này chi ra cho một quốc gia từ trước đến nay.
Có lẽ chính vì vai trò trọng yếu đó, mà các nước châu Âu vốn có tiếng nói quan trọng trong Hội đồng quản trị IMF đã dồn hết sức hậu thuẫn cho bà Lagarde lên thay ông Dominique Strauss-Kahn ở chức vụ lãnh đạo IMF. Người ta hy vọng bà Lagarde sẽ giúp châu Âu đủ nghị lực để vượt qua cuộc khủng hoảng của đồng euro hiện nay.
Là người xuất thân từ châu Âu, việc bà tân Tổng giám đốc IMF quan tâm đặc biệt đến vấn đề Hy Lạp là lẽ tự nhiên, nhất là khi vấn đề này, nếu không được giải quyết tốt, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến hệ thống tài chính toàn cầu, điều thuộc phạm vi trách nhiệm của IMF.
Theo nhà kinh tế Charles Wiploz, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiền tệ quốc tế tại Geneva (Thụy Sỹ), trong khi châu Âu được toại nguyện vì người của mình vẫn nắm vai trò lãnh đạo IMF, trực tiếp đứng ra giải quyết vấn đề Hy Lạp, thì nhiều thành viên IMF còn "ấm ức" trước việc châu Âu đã nuốt lời để tiếp tục độc quyền chức lãnh đạo định chế này và một số nước cũng không muốn IMF quá thiên vị châu Âu trong hoạt động của mình. Khi ông Strauss-Kahn được bầu, châu Âu đã ra một thông cáo nói rằng trong tương lai, việc chọn lãnh đạo IMF sẽ không căn cứ theo khu vực địa lý mà dựa trên cơ sở tài năng.
Thêm vào đó, vấn đề thứ hai là tương tự như trong trường hợp ông Strauss-Kahn, bà Lagarde có thể bị rơi vào thế chồng chéo về quyền lợi trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính châu Âu, khi làm những điều ngoạn mục mà một Tổng giám đốc khác không phải là người châu Âu sẽ không làm.
Đến IMF trong bối cảnh đó, bà Lagarde sẽ phải cho thấy là mình không quá thiên vị châu Âu, phải tranh thủ những người đã từng lên tiếng chỉ trích cách thức IMF can dự vào khủng hoảng Hy Lạp hay ở những quốc gia châu Âu khác cũng bị khủng hoảng.
Ngoài ra, tân Tổng giám đốc IMF sẽ còn phải đối phó với một thách thức khác quan trọng không kém. Đó là tiếp tục những gì ông Strauss-Kahn đã bắt đầu, có nghĩa là mở cửa IMF hơn nữa cho các nền kinh tế đang nổi, sao cho định chế quốc tế này phản ánh đúng tình hình thế giới hiện nay.
Các quốc gia mới nổi đang muốn có tiếng nói lớn hơn trong IMF khi mà trong hội đồng quản trị số lượng người châu Âu chiếm gần một nửa. Khi cả châu Âu và Mỹ không muốn giảm vai trò của mình, bà Lagarde sẽ phải vận dụng tài ngoại giao khéo léo của mình để tìm ra một phương thức làm hài lòng tất cả các bên.
Trong các thách thức đang chờ đợi tân Tổng giám đốc IMF còn có thái độ thiếu thiện cảm đối với định chế tài chính này, với bằng chứng cụ thể là quyết định của Ai Cập cuối tháng Sáu vừa qua về việc từ chối khoản cho vay 3 tỷ USD của IMF.
Quyết định của Cairo trong lúc kinh tế Ai Cập gần như bị tê liệt sau bất ổn chính trị đã gây ngạc nhiên không ít và giới chuyên gia xem đó như một cú đánh vào uy tín của IMF, khi giới lãnh đạo nước này muốn nhận sự trợ giúp của Arập Xêút hay Qatar hơn là của IMF. Với quyết định đó, giới lãnh đạo Ai Cập muốn chứng tỏ sự độc lập của mình đối với các nhà tài trợ quốc tế.
Thái độ của Ai Cập nêu bật và đặt trở lại vấn đề vai trò và uy tín của IMF mà trong quan điểm phân tích là đã được khôi phục trong nhiệm kỳ dở dang của ông Strauss Kahn. Điều đáng nói là Ai Cập không phải là trường hợp duy nhất từ chối sự giúp đỡ của IMF.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, có những nước đã nhanh chóng thanh toán các khoản nợ IMF để sau đó có thể tự do xử lý các món nợ của mình với chủ nợ tư nhân mua công trái ở các ngân hàng. Sau năm 2000, nguồn thu nhập của IMF bị giảm sút vì định chế này cho vay ít hơn. Khi đó, một câu hỏi đã được đặt ra là IMF có còn hữu ích nữa hay không.
Ông Strauss Kahn đã để lại cho người kế nhiệm một số thành tựu, song cũng để lại không ít những điều vẫn còn dang dở. Giờ đây, mọi người đang chờ đợi xem người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo IMF sẽ xoay sở ra sao trước những thách thức này./.