Ninh Thuận ưu tiên thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo Ninh Thuận: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp |
Thấu hiểu và sẻ chia
Theo Cục Thống kê Ninh Thuận, trong quý I/2024, toàn tỉnh có 99 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đầu tư 837,6 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/3 là 4.405 doanh nghiệp với tổng nguồn vốn 91.344,5 tỷ đồng. Trong quý I, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 19 dự án/8.440 tỷ đồng.
Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương triển khai các chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua duy trì đối thoại định kỳ và chuyên đề, kịp thời tháo gỡ các kiến nghị liên quan thủ tục đền bù, đất đai, đầu tư, giải phóng mặt bằng...
Đến nay, có 39 kiến nghị, tập trung các vấn đề về quy hoạch; bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cấp giấy phép môi trường... đã được chỉ đạo giải quyết có hiệu quả.
Chế biến tôm ở Công ty TNHH Thông Thuận |
Có được kết quả bước đầu là nhờ vào chủ trương của tỉnh Ninh Thuận nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Hiện nay, Ninh Thuận đang khẩn trương chỉ đạo triển khai chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh gắn với xúc tiến đầu tư, làm cơ sở để triển khai thu hút đầu tư các dự án phát triển kinh tế xã hội theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ trao đổi với doanh nghiệp quý I/2024 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, đất đai, lao động, nguyên liệu, thuế, phí, lệ phí… Đại diện các ngành, địa phương đã trả lời, thông tin cụ thể từng nội dung đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam ghi nhận, đánh giá cao các đề xuất, kiến nghị, những phản ánh, chia sẻ của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua.
Ông Trần Quốc Nam cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương vào cuộc nhanh hơn, hiệu quả hơn trong tháo gỡ những vướng mắc mà doanh nghiệp đã đề xuất; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến trong chỉ đạo, điều hành, lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu; ưu tiên tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về chính sách đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, quy hoạch. Thực hiện tốt phương châm “Chính quyền tích cực, chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp”, tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Năm 2024, tỉnh xác định tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư là một trong 3 khâu đột phá quan trọng; lấy doanh nghiệp là trung tâm, là động lực và mục tiêu cho sự phát triển, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; cắt giảm thực chất hơn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường; có giải pháp tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng, lực lượng lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; tối ưu hóa các quy trình, thủ tục hành chính liên ngành. Duy trì đối thoại doanh nghiệp thường xuyên và chuyên đề để kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tỉnh cũng xác định tiếp tục tăng cường giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh; kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn, tổng công ty có tiềm lực tài chính và năng lực, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực để kêu gọi đầu tư vào tỉnh. Phối hợp các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các thành phố tiềm năng khác có ký kết chương trình liên kết hợp tác với tỉnh để triển khai các chương trình hợp tác, tạo liên kết vùng, ngành, lĩnh vực. Đồng thời tiếp tục tham gia các sự kiện lớn, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, kết nối doanh nghiệp tại nước ngoài (Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ...) do các bộ, ngành trung ương chủ trì tổ chức nhằm quảng bá, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh.