Ninh Thuận cần xác định rõ trụ cột để phát triển, trong đó có năng lượng tái tạo Liên kết vùng trong bối cảnh mới đứng trước những thuận lợi, khó khăn nào? |
Măng tây xanh là một trong những sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, được phát triển theo chuỗi giá trị đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến tiềm năng 5 sao, mở ra nhiều triển vọng mới giúp người nông dân làm giàu. Trong đó, xã An Hải, huyện Ninh Phước là một trong những vùng trồng nhiều cây măng tây ở tỉnh Ninh Thuận. Nhờ hiệu quả kinh tế cây măng tây mang lại mà đời sống của người nông dân nơi đây, trong đó có đồng bào dân tộc Chăm ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Cây măng tây thu hoạch gần như quanh năm |
Năm 2010, xã An Hải bắt đầu trồng thử nghiệm 1 ha cây măng tây. Đến nay, xã đã phát triển diện tích trồng cây măng tây hơn 110 ha, trong đó diện tích cây măng tây của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (thôn Tuấn Tú) chiếm hơn nửa. Hộ nghèo không có vốn đầu tư được hợp tác xã cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật...
Hiện xã An Hải chủ yếu trồng cây măng tây giống từ Hà Lan bởi đây là giống cho năng suất cao và chất lượng tốt, cây trồng một lần nhiều năm sau mới phải trồng lại. Các hộ dân trồng măng tây cho biết, cây măng tây đang được thị trường ưa chuộng, giá bán cao, công chăm sóc ít, thu hoạch gần như quanh năm. Cứ 1 ha cây măng tây cho thu hoạch từ 5-7kg/ngày, bán ra thị trường giá trung bình khoảng 50.000/kg. Như vậy, trung bình mỗi ha măng tây trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân có lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.
Xây dựng vùng chuyên canh cây măng tây |
Xác định măng tây là cây trồng chủ lực, hiện nay, xã An Hải đang tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây măng tây. Nhiều mô hình trồng cây măng tây ở xã đã tạo được sự liên kết bền chặt theo hướng đôi bên cùng có lợi giữa các xã viên với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng măng tây. Định hướng phát triển cây măng tây được xã An Hải thực hiện bài bản và khoa học. Theo đó, cơ chế, chính sách về vốn vay đầu tư từ các tổ chức tín dụng được người dân tiếp cận dễ dàng; nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cũng ngày một bền chặt.
Xác định, mô hình trồng cây măng tây không thể tự phát mà phải liên kết theo chuỗi giá trị, đạt hiệu quả sạch tiêu chuẩn VietGAP và tiếp đến là sản xuất hữu cơ, xã An Hải đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Ngoài Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải còn thành lập các tổ thu mua để giúp bà con nông dân bao tiêu sản phẩm. Xã tạo điều kiện hỗ trợ một phần giống cho bà con nông dân; hỗ trợ về kỹ thuật, mở các lớp tập huấn quy trình sản xuất, thu hoạch sản phẩm... Qua đó, đầu vào, đầu ra tiêu thụ măng tây ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Thời gian tới, xã An Hải tiếp tục rà soát, xây dựng những vùng chuyên canh cây măng tây để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.