Phải coi trốn đóng bảo hiểm xã hội là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người lao động Trốn đóng bảo hiểm xã hội: Thiết lập chế tài xử phạt để tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp |
Bà Trần Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương đã có cuộc trao đổi với Vuasanca về tình trạng nợ bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài.
Cần đẩy mạnh công tác thanh tra nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: HH |
Đến nay, việc xử lý vấn đề nợ lương, bảo hiểm xã hội gặp rất nhiều khó khăn và khó thu hồi tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài. Tình trạng này theo bà tác động như thế nào đến người lao động?
Theo thông tin thống kê, đến tháng 10/2023, số tiền nợ chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong toàn quốc đã lên đến khoảng 14.650 tỷ đồng. Trong số này, có khoảng 4.164 tỷ đồng không thể thu hồi do các doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn ra nước ngoài.
Tình trạng nợ lương và bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài, đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức đáng kể. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19, nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, chế tài xử phạt theo quy định hiện hành chưa đủ sức răn đe.
Mặc dù các người sử dụng lao động thường trích khấu trừ tiền lương để đóng bảo hiểm, nhưng lại không thực hiện việc đóng khoản này cho cơ quan bảo hiểm. Dẫn đến nhóm lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội khi doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Theo đó, quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ mất đi rất nhiều quyền lợi chính đáng lẽ ra phải được hưởng khi xảy ra các rủi ro như tai nạn lao động, ốm đau, thôi việc, nghỉ việc.
Kể cả khi người lao động chuyển việc đến nơi khác cũng khó khăn hơn khi làm thủ tục đóng bảo hiểm vì không có cơ sở xác định người lao động đã tham gia đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Bà Trần Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương |
Trước thực trạng trên, theo bà cần đề xuất chính sách nhằm tạo khung pháp lý để giải quyết tình trạng lao động bị nợ bảo hiểm xã hội không có khả năng thu hồi, cũng như các tình huống có thể phát sinh trong tương lai ra sao?
Tình trạng chậm đóng, trốn đóng, thậm chí chiếm dụng bảo hiểm xã hội vẫn có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị vi phạm lại khó khăn, bế tắc. Đặc biệt với các doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài thì việc siết chặt trách nhiệm của người sử dụng lao động lại càng gặp nhiều khó khăn. Bởi, các doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp là người nước ngoài đa số đề đi thuê trụ sở, thuê nhà xưởng. Khi có động thái rủi ro, ngay cơ phá sản, ngay lập tức họ sẽ bỏ toàn bộ rủi ro ở lại. Hậu quả là toàn bộ công nợ, thuế, bảo hiểm xã hội… không thể tháo gỡ.
Để cải thiện tình hình, việc đề xuất chính sách với mục tiêu giải quyết vấn đề lao động bị nợ bảo hiểm xã hội và các tình huống tương lai có thể phát sinh có thể được thực hiện thông qua các biện pháp cụ thể. Một trong những đề xuất quan trọng là tạo ra khung pháp lý linh hoạt và hiệu quả để giải quyết tình trạng lao động bị nợ bảo hiểm xã hội không có khả năng thu hồi, cũng như các tình huống có thể phát sinh trong tương lai.
Đồng thời, về cơ bản việc tham gia bảo hiểm xã hội hiện nay là theo tháng, chỉ loại trừ các nhóm hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp cần thiết phải xác định rõ thời điểm chốt đóng bảo hiểm xã hội để tránh những hiểu lầm về việc đóng bảo hiểm.
Các quy định pháp lý cần làm rõ các mốc thời gian thời gian cuối cùng phải đóng, sau đó là chậm đóng và tính lãi chậm đóng để có sự thống nhất, tránh việc doanh nghiệp vô tình vướng vào các quy định về xử phạt. Đồng thời, việc xử lý vi phạm cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Việc áp dụng các biện pháp xử lý pháp luật cần phải rõ ràng, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
Doanh nghiệp cũng rất cẩn trọng do liên quan đến các đối tác có yêu cầu nghiêm ngặt trong việc tuân thủ các quy định pháp luật. Nếu chỉ cần nhận một quyết định xử phạt vi phạm hành chính có thể ảnh hưởng đến mức độ tín nhiệm. Vì vậy cần làm rõ, và làm mạnh việc xác định các mốc biên về pháp lý này.
Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa khái niệm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội rất rõ ràng, để các doanh nghiệp thuận lợi trong đối chiếu thực hiện. Bà đáng giá gì về quy định này?
Đề xuất trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra khái niệm rõ ràng về chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện và theo dõi các quy định này. Theo đó, các khái niệm về chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội đã được định rõ. Khi có những định nghĩa cụ thể như vậy, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng trong việc đối chiếu và thực hiện theo đúng quy định.
Ví dụ, chậm đóng sẽ được xác định khi mà doanh nghiệp tuyển dụng lao động đã có quy định thời hạn báo tăng nhân sự tham gia bảo hiểm xã hội, hiện là 30 ngày. Theo dự luật mới, thời hạn này có thể được kéo dài lên tới 90 ngày, một độ trễ 30 ngày so với quy định hiện tại, nếu doanh nghiệp vẫn không thực hiện. Ngoài ra, đối tượng đã báo tăng nhưng không đóng đúng hạn cũng sẽ được coi là chậm đóng.
Đối với việc hạn đóng, dự thảo cho phép đến ngày cuối cùng của tháng tiếp theo mới tính là chậm đóng. Tuy nhiên, cần cân nhắc về việc đóng tiền từng tháng mà không có thời điểm cụ thể, để tránh tình trạng gây áp lực chi phí hoặc trường hợp không đủ khả năng đóng cho cả hai tháng đóng cùng một lúc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động
Trong việc xử lý, dự thảo cũng đề xuất áp dụng lãi suất chậm đóng theo từng ngày, hiện đang áp dụng lãi suất chậm đóng theo tháng, với mức lãi suất bình quân đầu tư quỹ của năm liền kề trước đó để áp dụng cho các doanh nghiệp nếu chậm đóng. Tuy nhiên tới đây sẽ áp dụng lãi theo ngày, như vậy, doanh nghiệp đóng càng sớm sẽ giảm thiểu lãi phát sinh theo ngày.
Ngoài ra, cần đưa ra các biện pháp chế tài mạnh mẽ như ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, nhằm tăng tính răn đe trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội. Đây là giải pháp được đánh giá là “mạnh tay”.
Xin cảm ơn bà!