An toàn thực phẩm vẫn "nóng"
Theo Cục ATTP (Bộ Y tế), thực phẩm không bảo đảm vệ sinh ATTP được lưu thông phổ biến trên thị trường là do hiện nay hầu hết các sản phẩm vật nuôi, cây trồng tại Việt Nam đều được sản xuất theo mô hình hộ gia đình; hạ tầng của các đơn vị sản xuất lạc hậu, ô nhiễm môi trường khá trầm trọng về nước thải, khí thải tại cơ sở sản xuất...
Không chỉ các sản phẩm được sản xuất trong nước, các cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều sản phẩm nhập khẩu không bảo đảm chất lượng. Mới đây, Cục ATTP có công văn yêu cầu các sở y tế tỉnh, thành phố trong cả nước và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Cửu Hương dừng lưu thông và thu hồi sản phẩm có chứa dầu ăn bẩn của Ðài Loan (Trung Quốc), đối với hai sản phẩm dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp và sốt thịt cay đóng hộp (tổng số 480 thùng).
Trước đó, người tiêu dùng mê mì Hàn Quốc hốt hoảng khi nghe thông tin 2 sản phẩm mì Neoguri (Hot) và Neoguri (Mild) do Công ty Nongshim (Hàn Quốc) sản xuất đã được nhập khẩu vào Việt Nam có chứa chất gây ung thư. Nhưng cũng tương tự như sản phẩm có chứa dầu ăn bẩn kể trên, cơ quan chức năng Việt Nam chỉ biết vào cuộc khi có thông báo từ đại sứ quán sở tại về việc thu hồi tự nguyện.
Những câu chuyện trên cho thấy với cách quản lý “chữa cháy” như hiện nay, thật khó tìm ra thực phẩm bẩn cho dù phần lớn sản phẩm đó được nhập theo đường chính ngạch. Và nó chỉ được xem là “bẩn” khi có thông tin từ nước sở tại. Việc truy tìm cũng thật gian nan khi cơ quan chức năng nói có, doanh nghiệp nói không.
Ngày 11/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. |
Nâng cao chất lượng ATTP
Để nâng cao chất lượng ATTP, mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP để quản lý hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm mầu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; chỉ đạo triển khai và nhân rộng các mô hình bảo đảm ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các mô hình phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Để phát hiện sớm, đầy đủ các sự cố ATTP, đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời, khoa học, khả thi và cảnh báo sớm cho cộng đồng, Chính phủ ban hành Quyết định số 518/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về ATTP tại Việt Nam.
Theo TS. Lâm Quốc Hùng- Cục ATTP, đề án dựa trên những cơ sở lý luận về bảo đảm ATTP và điều kiện thực tiễn trong bảo đảm ATTP tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm của Nhật bản, EU, Mỹ, Thái Lan... Mục tiêu của đề án tập trung vào việc: Xây dựng và tổ chức hoạt động hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP trong toàn quốc một cách thống nhất, thường xuyên trong hoạt động khai thác, tạo lập thông tin - tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo thông tin về sự cố ATTP; nâng cao chất lượng thông tin sự cố ATTP phục vụ hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh theo hướng chủ động và phải đạt chuẩn hóa (thông tin sớm và có giá trị khoa học); phân tích nguy cơ về ATTP đối với một số nhóm thực phẩm thông dụng ở Việt Nam.